Vườn vú sữa Lò Rèn 10 năm tuổi, cây cao khoảng 7 mét, đang giáp tàn, có dấu hiệu của bệnh thối rễ và chết cành. Xin nhờ hướng dẫn quy trình giúp trẻ hóa cây và quản lý tốt bệnh thối rễ?
10/01/25 08:53AM
1. Biện pháp tỉa cành, trẻ hóa cây:
Tỉa cành, trẻ hoá những vườn cây vú sữa già cỗi, nhiễm bệnh thối rễ giúp cây hồi phục sinh 
trưởng nhanh và chất lượng trái được cải thiện.
 - Cuối vụ thu hoạch quả, có thể tiến hành tỉa cành tạo tán cây vú sữa bằng cách cắt bỏ cành vượt trong tán, cành sâu bệnh, cành phụ ốm yếu,... để giúp cây thông thoáng và thúc đẩy chồi mới hình thành mạnh. Nên tỉa cành để cây vú sữa 
phân bố cành đều theo các hướng và khống chế chiều cao không quá 4-4,5 m.
- Đối với những vườn vú sữa già cỗi, cây bị nhiễm bệnh thối rễ thì tùy thuộc vào tuổi cây, mức độ nhiễm bệnh thì có thể tỉa 45-60% tán cây hoặc thấp hơn tỷ lệ này nhằm giúp cây cân bằng giữa tán cây và bộ rễ bị thối trong đất cũng như gia 
tăng chất lượng trái. 
- Đối với những vết cắt trên thân, cành có đường kính lớn do trẻ hoá cây thì cần phải sử dụng 
sơn công nghiệp hoặc thuốc trừ nấm gốc đồng (pha với nước theo tỷ lệ 1:1) quét lên mặt vết cắt để ngăn ngừa bệnh xâm nhiễm qua vết thương.    
2. Quản lý bệnh thối rễ và chết cành
* Tác nhân:
- Bệnh thối rễ do nhiều tác nhân gồm cả nấm và tuyến trùng gây hại như: nấm Fusarium solani, Fusarium oxysporium và Pythium helicoides, tuyến trùng Pratylenchus spp. 
- Bệnh nứt cành, chết cành do nấm Botryospaeria rhodia. 
* Quy trình quản lý tổng hợp bệnh: 
Bệnh thối rễ cây vú sữa do nhiều tác nhân khác nhau, những tác nhân này đều có nguồn gốc phát sinh từ đất do đó đòi hỏi phải áp dụng nhiều biện pháp quản lý tổng hợp thì hiệu quả phòng trị bệnh mới đạt hiệu quả.
- Kiểm tra thường xuyên vườn để có thể phát hiện sớm nhất bệnh thối rễ trên cây vú sữa nhằm 
có biện pháp quản lý kịp thời và thích hợp. 
- Bón phân NPK cân đối, tránh sử dụng phân đạm cao sẽ làm cho bệnh năng hơn. 
- Bón phân hữu cơ đặc biệt là phân chuồng ủ hoai (20-40 kg/gốc) kết hợp với nấm đối kháng Trichoderma hoặc sử dụng phân hữu cơ vi sinh thương mại để tiêu diệt mầm bệnh gây hại có trong đất. Ngoài ra, cũng nên kết hợp sử dụng xạ khuẩn Streptomyces và vi khuẩn kích thích vùng rễ Pseudomonas cũng có vai trò diệt mầm bệnh và hỗ trợ cây phát triển tốt. Chú ý chỉ sử dụng các chế phẩm vi sinh, đối kháng cho cây sau khi tưới thuốc trừ nấm ít nhất 15 ngày. 
- Có thể trồng cây vạn thọ xung quanh gốc cây để giảm mật số của tuyến trùng trong đất.
- Trường hợp cây thối nhẹ hệ thống rễ thứ cấp (rễ tơ, rễ mền) tiến hành xử lý thuốc bằng cách xới nhẹ đất xung quanh tán cây, sau đó tưới các loại thuốc Metalaxyl kết hợp Mancozeb (Ridomyl 72WP,...), Fosetyl- aluminium (Aliette,...), Cuprous oxide (Norhield,...), theo liều lượng khuyến cáo ghi trên bao bì, số lần tưới thuốc 2-3 lần liên tục, cách nhau 10 - 15 ngày tùy vào tình hình diễn biến bệnh trên vườn. Tưới đều dung dịch thuốc xung quanh tán cây, sau đó tưới 70% lượng nước so với bình thường, tưới liên tục 2-3 ngày để giúp thuốc hoà tan và thấm đều vào trong đất. 
- Có thể sử dụng thuốc trị tuyến trùng như Tervigo hay Velume tưới 1-2 lần, cách nhau 30 ngày nếu đất bị nhiễm tuyến trùng.
- Trường hợp cây thối rễ chính, cổ rễ: sau thu hoạch, tiến hành trẻ hóa cây để tạo sự cân bằng giữa bộ phận thân, lá và hệ thống rễ. Cào đất ở vị trí cổ rễ cho lộ rõ toàn bộ bộ phận rễ bệnh, cạo sạch vết bệnh và sử dụng cùng các loại thuốc nêu trên bằng cách pha đậm đặc theo tỷ lệ 1:1 (thuốc : nước) và quét lên vị trí vết bệnh kết hợp với tưới thuốc chung quanh vị trí này. Lặp lại nhiều lần (2-3 lần), mỗi lần cách nhau 7-10 ngày cho đến khi kiễm tra thấy vết bệnh hết thối. 
- Nếu rễ bị thối nhiều & nặng cần loại bỏ hết trái trên cây để giúp cây mau phục hồi.
- Rải vôi (5-7kg/cây) đều khắp mặt liếp hoặc tưới các sản phẩm (WEGH/ Humic) giúp nâng cao pH đất. 
- Nếu ở mùa mưa, có thể sử dụng màn nilong che đậy toàn bộ vị trí xử lý để tạo điều kiện khô ráo, hạn chế sự lây lan của mầm bệnh đồng thời giúp rễ tơ mới mọc ra nhanh. 
- Có thể sử dụng bổ sung chất điều hoà sinh trưởng kích thích ra rễ để giúp cây nhanh chóng hồi phục.
- Khi chồi tái sinh xuất hiện, quan sát và theo dõi bệnh nứt cành, chết cành; nếu thấy có triệu chứng cần phun thuốc gốc đồng, phun 1-2 lần khi cành ở giai đoạn bánh tẻ.
- Tỉa bỏ trái bị nhiễm sâu bệnh, tì vết, ưu tiên phục hồi khung tán nhanh và chỉ nên giữ lượng trái trên cây vừa phải từ năm thứ 2 trở đi (tính từ lúc chồi tái sinh hình thành).
(Bản tin Cây ăn quả số 3/2023)

(Nguồn: Bản tin Cây ăn quả-Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI))