Bản tin Chuyên đề Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, số 6 năm 2024
08/01/25 01:55PM
Chuyên đề: Giải pháp và định hướng phát triển công nghệ sinh học tại Việt Nam

Có thể nói công nghệ sinh học giữ vai trò quan trọng phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội theo xu hướng giảm, không phát thải khí các-bon và giải quyết các thách thức quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, cung cấp thực phẩm và năng lượng cũng như bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng, góp phần quan trọng trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Công nghệ sinh học đã trở thành trung tâm phát triển của khoa học và công nghệ. Các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước có nền khoa học phát triển đều đang tiếp tục đầu tư và phát triển công nghệ sinh học trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng chất lượng cao và bền vững, ứng dụng công nghệ sinh học được coi là công cụ quan trọng giúp nâng cao năng suất và những đặc tính tốt của các sản phẩm lương thực có nguồn gốc từ động vật và thực vật.

Cùng với xu thế phát triển chung về công nghệ sinh học và việc ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực khác nhau trên thế giới, Việt Nam đã chủ động xây dựng các chiến lược tổng thể để tiếp cận, đồng thời tự chủ trong quá trình nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học trong nước trên nền tảng thực tế phát triển công nghệ sinh học trong thời gian qua cũng như tiếp thu các xu hướng phát triển công nghệ sinh học tại các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

   Việc ứng dụng công nghệ sinh học không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là chìa khóa để Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và cạnh tranh cao. Nông nghiệp Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể khi áp dụng những thành tựu công nghệ sinh học vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Qua đó giúp nâng cao năng suất cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, tiết kiệm chi phí cho người nông dân, góp phần đem lại sự ổn định và bền vững của ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, công nghệ sinh học hiện đại của Việt Nam vẫn đang ở tình trạng lạc hậu so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về năng lực nghiên cứu và phát triển, về đầu tư, hợp tác và hội nhập quốc tế, tiếp cận và trao đổi thông tin cùng các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Vì vậy, hiện nay và sau này, Việt Nam cần tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu và triển khai công nghệ sinh học với đầu tư về cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực. Cần xây dựng các chính sách, định hướng chú trọng tăng cường ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả các nghiên cứu về công nghệ sinh học vào thực tiễn sản xuất và các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là ứng dụng trong ngành nông nghiệp.