Hiện nay có rất nhiều phương pháp được sử dụng để chọn tạo giống cây trồng nói chung như chọn lọc dựa trên sự lai hữu tính (còn gọi là chọn giống truyền thống); (ii) phương pháp chọn tạo giống dựa trên các kỹ thuật gây đột biến bằng phóng xạ và hoá chất; (iii) phương pháp chọn giống dựa trên sự ứng dụng các kỹ thuật của công nghệ sinh học như: nuôi cấy mô-tế bào, lai tế bào soma, chọn giống phân tử…
Chọn tạo giống phân tử đã được áp dụng trên nhiều đối tượng cây trồng khác nhau như: lúa, ngô, đâu tương, rau, cây ăn quả.v.v. và đem lại kết quả rất đáng khích nệ. Chẳng hạn ở lúa, các nhà chọn tạo giống đã áp dụng MAS để chọn ra những giống lúa mang gen Pi-1, Pi-2, Pi-5.v.v. kháng tốt với bệnh đạo ôn, hoặc các giống lúa mang gen: Xa-1, Xa-2, Xa-3, Xa-4, xa-5, Xa-10, xa-13, Xa-21.v.v. kháng tốt với bệnh bạc lá .v.v.
Với kinh nghiệm cũng như kết quả đạt được trong nhiều năm áp dụng hướng nghiên cứu chọn giống phân tử đối với tính trạng kháng đạo ôn và chịu mặn ở lúa. Trong cuốn sách này, nhóm tác giả tập trung vào phương pháp chọn tạo giống lúa hiện đại, dựa trên sự tổng hợp những kiến thức cơ bản nhất về chọn giống phân tử cũng như các kết quả nghiên cứu áp dụng hướng nghiên cứu chọn giống phân tử đối với tính kháng đạo ôn và chịu mặn ở lúa với mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu cùng các nhà khoa học để góp phần nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu nói chung và chọn tạo giống lúa kháng đạo ôn, chịu mặn nói riêng.