Nghiên cứu chọn giống và trồng thử nghiệm Cẩm lai (Dalbergia oliveri Gamble ex Prain) tại Vườn Quốc gia Cát Tiên
27/11/24 08:40AM
Chủ đề: Lâm nghiệp

Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu chọn giống và trồng thử nghiệm Cẩm lai (Dalbergia oliveri Gamble ex Prain) tại Vườn Quốc gia Cát Tiên

Tổ chức chủ trì: Vườn Quốc gia Cát Tiên- Cục Kiểm lâm

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Trần Văn Bình

Các cá nhân tham gia nhiệm vụ: TS. Nguyễn Văn Quý, TS. Đặng Văn Sơn, TS. Vũ Mạnh, CN. Nguyễn Thế Việt, Quang Thị Thảo, KS. Nguyễn Văn Bình, KS. Phạm Ngọc Quyết, KS. Vũ Văn Khôi, KS. Lương Thanh Hùng

Thời gian thực hiện: 2021-2023

Kinh phí thực hiện: 490 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 1384/QĐ-BNN-KL ngày 07 tháng 02 năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 17 tháng 6 năm 2024 tại Hà Nội

  Kết quả nghiên cứu:

          Ở Cát Tiên, Cẩm lai phân bố rải rác hoặc mọc thành từng đám 5-10 cá thể trong các trạng thái rừng thường xanh, thường xanh nửa rụng lá. Cẩm lai phân bố ở 4 loại đất chính gồm: (i) đất feralit phát triển trên đá bazan (Fk); (ii) đất feralit phát triển trên đá cát (sa phiến thạch) (Fq); (iii) đất feralit phát triển trên phù sa cổ (đất xám bạc màu trên phù sa cổ) (Fo); (iv) Đất feralit phát triển trên phiến sét (Fs). Cẩm lai là cây gỗ nhỡ, sinh trưởng chậm đến trung bình, khả năng tái sinh tự nhiên trung bình, tỷ lệ tái sinh tự nhiên thấp, phân bố rộng. Cẩm lai là loài cây thay lá theo mùa, thời gian thay lá không cố định, cây phân bố ở những lâm phần có độ tàn che cao, biên độ thời gian thay lá dài, có khi thời gian thay lá kéo dài tới 02 tháng và có độ trễ hơn so với những cây mọc ở bìa rừng hoặc phân bố ở những lâm phần có độ tàn che thấp hơn; mùa ra hoa trung bình kéo dài khoảng 1 tháng (khoảng trung tuần tháng mười hai đến trung tuần tháng một năm sau); mùa quả chín từ tháng 2- 4.

Cẩm lai phân bố tương đối đều ở các cấp kính, tỷ lệ số cây có khuynh hướng gia tăng dần từ nhóm có đường kính D < 10 cm đến nhóm có đường kính D = 30 - 40 cm; tỷ lệ trung bình của Cẩm lai trong lâm phần là 4,96%. Cẩm lai phân bố ở các tầng rừng, trong đó tập trung cao nhất là ở lớp có chiều cao H = 15- 20 m có số lượng là 14 cây, tỷ lệ số cây Cẩm lai trong các lớp chiều cao gia tăng dần từ lớp H < 10 m đến lớp H = 20- 25 m. Mật độ cây tái sinh là 335 cây/ha, trong đó giảm nhanh từ cấp chiều cao vút ngọn Hvn < 50 cm đến cấp Hvn = 50- <100 cm và ổn định ở các cấp độ Hvn =100- < 150 cm và Hvn = 150- <200 cm, giảm sâu ở cấp Hvn ≥ 250 cm (10 cây/ha hay 3,02%).

Nghiên cứu chỉ ra sự khác biệt rõ rệt về tỷ lệ nảy mầm của hạt giống khi ngâm tại các nhiệt độ khác nhau. Khi ngâm hạt ở nhiệt độ (40-450C) trong thời gian 8 giờ sẽ cho tỷ lệ nảy mầm tối ưu nhất. Tỷ lệ sống của cây con trong giai đoạn vườn ươm đối với các chế độ chiếu sáng khác nhau không có sự khác nhau rõ rệt nhưng sinh trưởng về đường kính gốc và chiều cao lại có sự khác biệt. Chế độ che sáng 50% là công thức cho các chỉ tiêu sinh trưởng (đường kính Doo và chiều cao Hvn) cao nhất trong các công thức thí nghiệm.

Đề tài đã chọn được 50 cây mẹ đáp ứng các tiêu chí theo tiêu chuẩn chọn lọc cây trội theo TCVN 8755:2017, các cây mẹ đáp ứng được tổng số điểm của 4 chỉ tiêu (độ thẳng, tròn thân cây, độ nhỏ cành, phát triển ngọn và chỉ tiêu sức khỏe) đều đạt từ 12 điểm và có chiều dài đoạn dưới cành đạt 1/3 chiều cao thân cây trở lên, không bị sâu bệnh hại. Kết quả tại thời điểm đánh giá khảo nghiệm hậu thế sau 18 tháng cho thấy, tỷ lệ sống trung bình của mô hình trồng khảo nghiệm hậu thế kết hợp bảo tồn đạt 92,50%, sinh trưởng đường kính gốc (D00) bình quân đạt 4,15 cm với hệ số biến động là 12,48%, sinh trưởng chiều cao (Hvn) bình quân đạt 2,54 m với hệ số biến động là 17,86 %. Tại thời điểm 18 tháng tuổi, có 05 gia đình đang có các chỉ tiêu về tỷ lệ sống, sinh trưởng đường kính gốc (D00) và sinh trưởng chiều cao (Hvn) tốt nhất, gồm các gia đình CLCT-05; CLCT-06; CLCT-10; CLCT-11và CLCT-46.

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT -DT20247740-45/GGN 24-08-133)