Nghiên cứu chọn tạo giống chè xanh năng suất, chất lượng cao cho một số vùng chè chính của Việt Nam
30/08/23 09:56AM
Chủ đề: Trồng trọt


Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu chọn tạo giống chè xanh năng suất, chất lượng cao cho một số vùng chè chính của Việt Nam

Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm nhiệm vụ: PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn

Các cá nhân tham gia đề tài: TS. Nguyễn Hữu Phong; TS. Nguyễn Thị Minh Phương; ThS. Phùng Lệ Quyên; TS. Nguyễn Thị Hồng Lam; ThS. Nguyễn Thị Kiều Ngọc; TS. Trần Xuân Hoàng; TS. Đặng Văn Thư; KS. Nguyễn Thị Phúc; ThS. Nguyễn Mạnh Hà

Thời gian thực hiện: 2017-2021

Kinh phí thực hiện: 4.900 triệu đồng

Cấp phê duyệt: Quyết định số 1472/QĐ-BNN-KHCN ngày 21 tháng 04 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nghiệm thu: ngày 05 tháng 05 năm 2022  tại Hà Nội

Kết quả nghiên cứu:

          Đề tài đã chọn được 17 dòng/giống chè để làm bố mẹ khi lai và ghép được 20 tổ hợp lai (cặp lai). Xác định được 49 cá thể ưu tú/cây đầu dòng. Lựa chọn ra 8 dòng chè triển vọng nổi trội (LCT1, shan Lũng Phìn, TC4, Dòng số 15, VN3, MC2, Vân Xương và Dòng 215), trong đó dòng LCT1 đã được công nhận giống sản xuất thử năm 2019, 6 dòng chè còn lại tiếp tục được nghiên cứu kỹ hơn thông qua bố trí khảo nghiệm cơ bản mới. Xác định 4 dòng chè có năng suất, chất lượng chè xanh cao nhất đưa vào khảo nghiệm VCU.

Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được 03 mô hình/09ha trồng 4 dòng chè LCT1, shan Lũng phìn, TC4 và Dòng số 15 ở các vùng sinh thái. Các dòng đều có khả năng sinh trưởng khỏe, năng suất cao, hiệu quả kinh tế tăng so với đối chứng phổ biến tại địa phương đối với LCT1 là 13,59-56,87%, tỷ suất lợi nhuận cận biên đạt 1,73-2,17, đối với shan Lũng Phìn là 26,57-51,28% và 1,57-2,09, đối với TC4 là 11,92- 12,32% và 1,72-2,13, đối với Dòng số 15 là 12,59-14,40% và 1,67-1,81.

Đề tài đã nhân giống sản xuất thử được 1,1 triệu bầu chè, trồng diện tích 45 ha với 4 dòng chè LCT1, shan Lũng Phìn, TC4 và Dòng số 15 cho các tỉnh Thái Nguyên, Sơn La, Phú Thọ. Cây chè sau trồng 1 và 2 năm tuổi đều có tỷ lệ sống cao (xấp xỉ 95%), cây sinh trưởng khỏe, khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh tốt. Công nhận sản xuất sản xuất thử cho 2 giống LCT1 và LP18 (shan Lũng Phìn) và tự công bố giống lưu hành cho 3 giống LCT1, TC4 và PH21 (Dòng số 15).

Nghiên cứu đã hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật trồng trọt về mật độ trồng, kỹ thuật sử dụng phân hữu cơ vi sinh, kỹ thuật đốn chè kiến thiết cơ bản, kỹ thuật hái chè, kỹ thuật sử dụng phân bón kết hợp NPK cho 3 giống chè LCT1, TC4 và PH21. Từ các biện pháp kỹ thuật hoàn thiện này, đề tài đã xây dựng được 03 quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cấp cơ sở cho mỗi giống chè trên.

          Đề tài đã hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật chế biến về kỹ thuật héo chè nguyên liệu kỹ thuật làm khô thích hợp đối với chè xanh đặc sản; về kỹ thuật làm khô và nhiệt độ làm khô thích hợp cho sản phẩm chè xanh dạng Mao tiêm; về kỹ thuật diệt men và nhiệt độ sấy thích hợp cho chè xanh dạng sợi; về thủy phần sấy sơ bộ trước tạo hình và nhiệt độ sấy thích hợp trong quá trình tạo hình cho chè xanh dạng viên.

Từ kết quả nghiên cứu này, đề tại đã xác định cả 3 giống chè nghiên cứu đều phù hợp cho chế biến chè xanh, trong đó giống chè LCT1 thích hợp hơn cho chế biến chè xanh đặc sản; giống chè TC4 thích hợp hơn cho chế biến chè xanh dạng Mao tiêm và giống chè PH21 thích hợp hơn cho chế biến chè xanh dạng viên. Đồng thời, đề tài đã xây dựng được 03 quy trình kỹ thuật chế biến cấp cơ sở: Chè xanh Đặc sản cho giống chè LCT1; Chè xanh dạng Mao tiêm cho giống TC4 và Chè xanh dạng Viên cho giống PH21.

 (Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20226636/GGN 22-08-093)