Nghiên cứu đặc điểm lâm học, kỹ thuật nhân giống và phục hồi rừng Ràng Ràng mít (Ormosia balansae Drake) tại vùng Tây Bắc
16/05/24 08:28AM
Chủ đề: Lâm nghiệp

Tên đề tài: Nghiên cứu đặc điểm lâm học, kỹ thuật nhân giống  và phục hồi rừng Ràng Ràng mít (Ormosia balansae Drake) tại vùng Tây Bắc

Tổ chức chủ trì: Đại học Lâm nghiệp

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: TS. Trần Thị Mai Sen

 Các cá nhân tham gia đề tài: ThS. Lê Hồng Liên, PGS.TS. Lê Xuân Trường, TS. Trần Việt Hà, ThS. Phạm Thị Hạnh, ThS. Trần Thị Yến, ThS. Phạm Thị Quỳnh, ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng, TS. Khuất Thị Hải Ninh, ThS. Trần Thị Nhâm

 Thời gian thực hiện: 2021-2022

Kinh phí thực hiện: 490 triệu đồng

 Cấp phê duyệt: Quyết định số 2980/QĐ-ĐHLN-KHCN ngày 26 tháng 12 năm 2022 của Trường Đại học Lâm nghiệp

 Nghiệm thu: ngày 30 tháng 12 năm 2022 tại Hà Nội

Kết quả nghiên cứu:

Ràng ràng mít phân bố tại hầu hết các trạng thái rừng, trong đó tập trung tại trạng thái rừng lá rộng thường xanh giàu, trung bình và nghèo. Đề tài đã chọn lọc ra được 39 cây trội đáp ứng các tiêu chí chọn lọc cây trội (độ thẳng thân cây, độ nhỏ cành, chỉ tiêu sức khỏe). Độ vượt trội về đường kính ngang ngực của các cây trội so với trung bình quần thể biến động từ 10,1 - 41,6%, trung bình là 17,9%. Trong đó có 28 cây có độ vượt từ 10 - 20%, 8 cây có độ vượt từ 20 - 30% và 3 cây có độ vượt >30%. Xử lý hạt giống Ràng ràng mít ngâm trong nước 55°C với thời gian ngâm 24 giờ sẽ cho kết quả tỷ lệ nảy mầm cao hơn các công thức thí nghiệm còn lại. Tỷ lệ sống của cây con trong giai đoạn vườn ươm đối với các công thức thí nghiệm về thành phần ruột bầu không có sự khác nhau rõ rệt nhưng sinh trưởng về đường kính gốc và chiều cao lại có sự khác biệt. Trong đó, công thức 2 (90% đất mùn tơi xốp + 10% phân chuồng hoai) là công thức cho các chỉ tiêu sinh trưởng (đường kính và chiều cao) cao nhất trong các công thức thí nghiệm

Đề tài đã xây dựng mô hình thử nghiệm khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên, kết quả cho thấy tỷ lệ sống của loài Ràng ràng mít biến động trong khoảng từ 40,00-90,00% (năm thứ nhất), 16,67-76,67% (năm thứ hai). Mô hình thử nghiệm khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh tự nhiên rừng Ràng ràng mít kết hợp trồng bổ sung cho thấy tỷ lệ sống biến động trong khoảng từ 86,67-100% (năm thứ nhất), 82,22-92,22% (năm thứ hai).

 (Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20236729/GGN 23-01-006)