Nghiên cứu giải pháp công nghệ chống xói lở để bảo vệ rừng ngập mặn vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long
29/05/24 08:51AM
Chủ đề: Thủy lợi

Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu giải pháp công nghệ chống xói lở để bảo vệ rừng ngập mặn vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long

Tổ chức chủ trì: Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam- Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đỗ Đắc Hải

 Các cá nhân tham gia đề tài: ThS. Nguyễn Thị Khay, PGS.TS. Nguyễn Phú Quỳnh, PGS.TS. Trần Bá Hoằng, PGS.TS. Huỳnh Thanh Sơn, ThS. Ưng Ngọc Nam, TS. Phạm Thế Vinh, TS. Lê Bửu Thạch, ThS. Lê Xuân Tú, TS. Phạm Trung Thời gian thực hiện: 2019-2022

Kinh phí thực hiện: 3.850 triệu đồng

 Cấp phê duyệt: Quyết định số 5114/QĐ- BNN- PCTT ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

 Nghiệm thu: ngày 06 tháng 01 năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã tổng hợp các đặc điểm của điều kiện tự nhiên, đặc điểm dân sinh kinh tế xã hội vùng ven biển; Tổng hợp hiện trạng các công trình bảo vệ bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2021 và phân tích đánh giá hiệu quả bảo vệ bờ, giảm sóng gây bồi tạo bãi và các ưu nhược điểm của các giải pháp, công nghệ điển hình đã xây dựng tại ven biển ĐBSCL. Cập nhật, bổ sung mô hình thủy lực biển Đông và vùng ven biển ĐBSCL, tính toán các yếu tố gió, thủy động lực đặc trưng như mực nước, dòng chảy ven bờ để làm cơ sở để đánh giá nguyên nhân suy giảm rừng ngập mặn (RNM) và định hướng đề xuất các giải pháp công trình để bảo vệ, phục hồi và phát triển RNM.

Nghiên cứu xây dựng các nhóm tiêu chí để làm cơ sở lựa chọn các giải pháp công nghệ chống xói lở bãi, bảo vệ rừng ngập mặn. Đề xuất 10 giải pháp phi công trình để khôi phục và phát triển rừng ngập mặn cho vùng ven biển ĐBSCL. Đề xuất định hướng các giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển RNM vùng ven biển ĐBSCL. Và xây dựng một mô hình đê giảm sóng thử nghiệm tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre kinh phí 1,0 tỷ đồng với chiều dài khoảng 100m (trong đó tường giảm sóng 80m, phạm vi bảo vệ 2 vai 2 x 10m = 20m). Trong mô hình thử nghiệm đã sử dụng vật liệu tái sử dụng là lốp xe ô tô cũ, gia cố chống xói bằng rọ đá Polyeste và dùng sơn chống rỉ Epoxy.

Nhóm nghiên cứu đã biên soạn Dự thảo Hướng dẫn về công trình giảm sóng, gây bồi, hạn chế xói lở thân thiện với môi trường. Trong dự thảo đã tổng hợp các giải pháp công trình giảm sóng, gây bồi, hạn chế xói lở thân thiện với môi trường theo hướng chủ động và bị động. Đồng thời, hướng dẫn khá chi tiết giải pháp đê giảm sóng gây bồi sử dụng cọc ly tâm kết hợp với lốp xe cũ trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết (thiết kế) và từ thực tế thi công công trình ngoài thực địa.

 (Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- DT20236771-72/GGN 23-01-005)