Để cành thẳng là hỏng, để cành ngang thì được
GS.TS Vũ Mạnh Hải đưa cho tôi một quả lê rất lớn được hái trong vườn của ông Hoàng Văn Khi ở thôn Nà Khau, xã Đội Cấn (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) và bảo: “Đây là quả lê giống Heng Shan, giờ chưa ăn được nhưng trông quả khá hấp dẫn. So với Mi Xue, nó ăn không ngon bằng nhưng có ưu thế chín muộn hơn hẳn, quả to trung bình 400 - 500gram, vỏ cũng dày, tiện cho việc vận chuyển đi xa".
Vẻ đẹp của lê. Ảnh: Dương Đình Tường.
Ông kéo tay tôi chỉ những cây lê không được vin cành mà để vươn thẳng tự nhiên và giải thích, chúng không ra hoa, hoặc ra hoa nhưng đậu quả rất ít, mà có quả đi chăng nữa chất lượng cũng hạn chế. Hai lý do cơ bản là tổng sản phẩm quang hợp tạo ra và tích lũy từ các bộ phận khí sinh (thân, cành lá) bị hạn chế và lượng các hormone kích thích quá trình phân hóa mầm hoa ở các cành vươn thẳng ít hơn nhiều so với các cành nhánh nằm ngang hoặc nằm nghiêng. Các cây ăn quả ôn đới nói chung và cây lê nói riêng ra hoa, đậu quả kém dần theo thời gian nếu cứ để sinh trưởng tự nhiên, không áp dụng kỹ thuật tạo hình và cắt tỉa phù hợp. Điều này thêm một lần nữa khẳng định kỹ thuật cắt tỉa đối với cây ăn quả ôn đới có vai trò rất quan trọng.
TS Lê Thị Mỹ Hà (Viện Nghiên cứu Rau quả) khẳng định, những vườn nào được các nhà khoa học tác động kỹ thuật, gắn bó hàng chục năm thì duy trì, mở rộng được diện tích như vườn của ông Hoàng Văn Khi, còn những chỗ khác trồng theo kiểu tự nhiên, năm sai thì ăn, năm mất thì diện tích vẫn thế, hiệu quả kinh tế khá hạn chế.
Lê ghép từ năm thứ ba bắt đầu ra bói, năm thứ tư thu quả, từ năm thứ tám cho năng suất ổn định. Như trung bình mỗi gốc lê trong vườn nhà ông Khi cho khoảng 30 - 40kg quả, bán ngay tại vườn quả to 25.000đ/kg, bán xô cả to lẫn nhỏ 20.000đ/kg thì được 600 - 700.000đ. Với hơn 100 cây lê đã đem lại cho vợ chồng ông Khi khoản thu nhập không nhỏ.
Trong vườn, ông còn thả gà đồi với mục đích bắt sâu bọ, ăn bớt cỏ, tốt cho cây lê. Gà thả vườn, ăn sâu bọ như thế chất lượng thịt cũng thơm, ngọt hơn hẳn nên bán được giá hơn. Gà đồi thiến hiện đang có giá 150.000đ/kg, còn gà mái tơ 120.000đ/kg…
TS Bùi Quang Đãng - Trưởng ban Khoa học và Hợp tác Quốc tế của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam kiểm tra giống lê Heng Shan. Ảnh: Dương Đình Tường.
Dẫu vậy, TS Bùi Quang Đãng - Trưởng ban Khoa học và Hợp tác Quốc tế của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận xét, việc áp dụng khoa học kỹ thuật của người dân ở khu vườn này còn hạn chế, mới ở mức khoảng 50%. Dù trồng cây ăn quả từ lâu nhưng họ không sản xuất hàng hóa mà toàn tự sản tự tiêu. Dù được các nhà khoa học hướng dẫn, tuy nhiên khả năng áp dụng của họ vẫn còn hạn chế bởi tập quán chỉ tập trung vào cây trồng hàng năm như lúa, ngô, khoai, sắn.
“Giống thì tốt đấy nhưng để cho hiệu quả kinh tế cao, rõ ràng quả phải to và đồng đều hơn nữa. Ở đây ngay cả khâu đơn giản nhất là tỉa quả, anh em chúng tôi hướng dẫn, làm mẫu vài cây thì tốt nhưng sau đó những cây khác họ lại tiếc, không tỉa mà để hết. Ưu điểm của các giống lê ngoại so với lê bản địa là không bị chát khi ăn quả vẫn còn xanh, hạt vẫn còn trắng nên chúng bị thu hái để bán rất sớm, lúc chưa đạt chất lượng.
Nhiều người khi nghe tiếng về mô hình trồng lê của ông Khi đã kéo đến gạ mua, rồi cán bộ địa phương cũng đặt mua để làm quà. Mà tính ông thì cả nể, vẫn thu hoạch bán nên điều đó có thể ảnh hưởng đến danh tiếng về lâu về dài của những giống lê tốt nhập nội này”, TS Bùi Quang Đãng nói.
Cũng theo TS Đãng, đề tài “Phát triển một số cây ăn quả ôn đới có lợi thế ở vùng miền núi phía Bắc” của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện từ năm 2019 nhưng với cây ăn quả nói chung và cây ăn quả ôn đới nói riêng thì nghiên cứu trong 1 “nhiệm kỳ” 5 năm như vậy cũng chưa nói lên được điều gì.
Kỹ thuật vít cành cho lê ra sai quả. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Chúng tôi kế thừa những nghiên cứu lê của giai đoạn trước, cũng do Viện chủ trì, hợp tác với Đài Loan. Sau thời gian đánh giá các giống có triển vọng, giai đoạn vừa rồi Viện thúc đẩy các biện pháp kỹ thuật, đồng thời mở rộng diện tích, trong đó có biện pháp ghép cải tạo trên gốc cây lê bản địa. Ngoài mô hình ở huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) còn có mô hình ở huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La).
Chúng tôi đã xác định được 2 giống lê rất phù hợp với điều kiện của các tỉnh miền núi phía Bắc và trong thời gian tới sẽ công bố lưu hành, chính thức đưa vào sản xuất. Viện dự kiến sẽ kết hợp với một số cơ sở sản xuất giống ở các địa phương để tổ chức khai thác những vườn đầu dòng được công nhận như của ông Khi để nhân giống, cung cấp cho bà con.
Ngoài lê, trong thời gian vừa rồi Viện cũng nhập nội một số giống cây ăn quả khác như mận, hồng giòn… và đã được đưa vào sản xuất ở Mộc Châu, tỉnh Sơn La, dự kiến năm nay sẽ công bố lưu hành 1 giống mận mới, 2 giống đào mới nhiều triển vọng về năng suất, chất lượng cùng gói kỹ thuật chăm sóc đi kèm”, TS Bùi Quang Đãng cho biết thêm.
Cùng đi với chúng tôi là chị Cầm Thị Hằng ở Văn phòng Bảo hộ Giống cây trồng thuộc Cục Trồng trọt. Chị tâm sự: “Đây là lần thứ hai tôi lên vườn này, lần đầu lên vào mùa xuân thấy rất nhiều hoa nhưng không nghĩ lần này lên lại có nhiều quả như thế. Hai giống lê Mi Xue và Hang Seng được Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đăng ký bảo hộ, vì thế chúng tôi phải khảo nghiệm xem tính khác biệt, tính đồng nhất và ổn định của chúng so với đối chứng. Nay đánh giá vào giai đoạn quả, chúng tôi thấy chúng khác với đối chứng là giống lê địa phương từ hình thái quả, độ dày vỏ quả đến thịt quả”.
Việt Nam không trồng được táo Tây
Theo GS.TS Vũ Mạnh Hải, trong quá khứ, chúng ta đã từng gặp phải bài học thất bại về chuyện trồng cây ăn quả ôn đới khi chưa có nghiên cứu kỹ điều kiện tự nhiên, trong đó dự án phát triển một số giống táo Tây ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang là một ví dụ điển hình.
Không ít nhà khoa học về cây ăn quả, trong đó có ông Hải đã khẳng định ngay từ đầu, rằng cây táo Tây đưa sang trồng ở Việt Nam là không ổn. Quả đúng như thế, chỉ mấy năm sau dự án thất bại bởi không thể ra hoa, ra quả được.
Cây ăn quả có tính đặc thù là lâu năm, nếu sai về kỹ thuật hậu quả không chỉ kéo dài 1 - 2 năm, thậm chí là cả chu kỳ sống của nó. Sản phẩm của cây ăn quả là quả, không thuần túy như rau, cây lâm nghiệp càng tốt thì càng có nhiều sản phẩm, cây ăn quả có thể rất tốt nhưng không ra hoa, ra quả.
Ông Hoàng Văn Khi phấn khởi bên quả lê cỡ lớn. Ảnh: Dương Đình Tường.
Người trồng cây ăn quả phải rất có tri thức khi điều hòa giữa hai quá trình sinh trưởng sinh dưỡng và quá trình phát triển. Bởi thế tri thức truyền cho người trồng cây ăn quả rất có ý nghĩa nếu không thì không ra được quả hoặc ra được quả nhưng không có giá trị. Đó là cây ăn quả nói chung, còn cây ăn quả ôn đới còn khó hơn nữa bởi nó ra hoa trong một điều kiện rất đặc biệt là phải có đủ độ lạnh cần thiết, việc phải chọn địa điểm trồng phù hợp do vậy có ý nghĩa mang tính quyết định.
Mặc dù vị trí địa lý có thể không cách xa nhau lắm nhưng nơi này trồng được, cách đấy vài chục cây số thì không trồng được vì phụ thuộc vào vĩ độ, độ cao, tiểu địa hình, hướng gió. Những điều kiện đó rất quan trọng. Bởi thế nông dân phải biết khu vườn của mình có trồng được cây ăn quả ôn đới hay không và trồng thì trồng được chủng loại gì, trong chủng loại đó cụ thể là giống gì. Cùng trong một chủng loại đào có giống yêu cầu độ lạnh cao, có giống yêu cầu độ lạnh trung bình, có giống yêu cầu độ lạnh thấp. Điểm thứ hai là các tác động kỹ thuật người trồng cây ăn quả phải biết.
Cây ăn quả ôn đới bản địa và cây ăn quả ôn đới nói chung chưa đóng góp giá trị kinh tế cao cho Việt Nam là bởi tri thức của người trồng còn hạn chế. Chuyện này Đài Loan có nhiều kinh nghiệm rất thực tế dù họ có độ lạnh không cao, chỉ giống như các tỉnh miền núi phía Bắc của ta nhưng các nhà khoa học của họ lại rất giỏi. Bởi thế cần phải học hỏi từ Đài Loan, nhất là việc đưa những giống cây ôn đới và kỹ thuật mới vào sản xuất.
Dương Đình Tường
(Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)