Long An sẵn sàng triển khai đề án phát triển 1 triệu hecta lúa chất lượng cao
11/07/24 03:25PM
Để triển khai đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh (gọi tắt là đề án) hiệu quả, tỉnh Long An đã và đang gấp rút triển khai nhiều phần việc cụ thể.

Cả bộ máy khởi động, chuẩn bị kỹ lưỡng

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết, đề án được chính quyền, ngành nông nghiệp và hàng triệu hộ nông dân ở địa phương đặc biệt quan tâm. Dù Long An không nằm trong số các tỉnh được giao thực hiện thí điểm đề án nhưng địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai trong năm 2024 để đánh giá, rút kinh nghiệm, hướng đến việc thực hiện mang lại kết quả cao nhất trong những năm tới.

Thu hoạch lúa hè thu sớm ở huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An

Từ lúc Bộ NN-PTNT phát động, tỉnh Long An đã tập trung rà soát lại diện tích đã tham gia dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), vùng lúa ứng dụng công nghệ cao, đăng ký thực hiện, cụ thể hóa các phần việc liên quan trên bản đồ vùng tham gia đề án.

Để việc triển khai đề án diễn ra xuyên suốt, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, ngày 16-4-2024, UBND tỉnh Long An có Quyết định số 3676/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo đề án. Theo đó, cơ cấu Ban Chỉ đạo gồm: lãnh đạo UBND tỉnh (Trưởng ban); lãnh đạo Sở NN-PTNT (Phó trưởng ban); các thành viên gồm lãnh đạo sở, ngành, UBND các huyện, thị xã có liên quan và các tổ chuyên môn. Tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch 3176/QĐ-UBND ngày 5-4-2024 về triển khai thực hiện đề án trên địa bàn.

Xác định hạ tầng là yếu tố quan trong quá trình thực hiện đề án, từ đầu năm 2024 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh tiến hành rà soát hiện trạng các tuyến đê bao. Qua đó, đề xuất đầu tư, xây dựng mới và sửa chữa, duy tu gần chục tuyến đê bao ngăn lũ, ngăn mặn, đảm bảo tưới tiêu theo quy trình; phục vụ lưu thông hàng hóa và vận chuyển nông sản.

Bên cạnh đó, các hợp tác xã tham gia đề án cũng được hướng dẫn, cập nhật vị trí, định vị vùng nguyên liệu trên bản đồ. Đồng thời ký kết hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời để liên kết sản xuất, kinh doanh, xây dựng chuỗi giá trị gạo chất lượng cao và phát thải thấp. Hiện tỉnh Long An đang tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp khác cùng tham gia đề án. Tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị triển khai đề án cho các huyện trong vùng đề án, các sở, ban ngành có liên quan.

 

Tận dụng lợi thế

Long An là tỉnh có diện tích trồng lúa lớn, đứng thứ 4 khu vực ĐBSCL (trên 500.000ha). Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh mạnh dạn đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng đến sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng với chất lượng ngày càng cao của người dân và xuất khẩu. Từ năm 2013, tỉnh đã thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Sau hơn 10 năm thực hiện, ngành lúa gạo của tỉnh có sự thay đổi theo hướng tích cực. Những giống lúa có chất lượng thấp được thay thế bằng giống lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung phát triển mô hình cánh đồng lớn, từ đó đã tạo chuyển biến tích cực trong quá trình sản xuất lúa của bà con nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Năm 2023, tổng diện tích gieo sạ lúa ở Long An ước đạt 513.877ha (tăng gần 5.000ha so cùng kỳ); năng suất ước đạt 59,3 tạ/ha (tăng 3,3 tạ/ha so cùng kỳ), sản lượng ước đạt 3.048.103 tấn (tăng 186.967 tấn), trong đó có trên 1,8 triệu tấn lúa chất lượng cao.

Đề án 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh được triển khai tại 8 huyện, thị xã của tỉnh Long An, gồm: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường. Đề án triển khai theo 2 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 (2024-2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án VnSAT trên địa bàn tỉnh là 60.000ha; giai đoạn 2 (2026-2030), xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải ngoài vùng dự án VnSAT.

Giám đốc Sở NN-PTNT Long An Nguyễn Văn Truyền cho biết, trên cơ sở nền tảng là các diện tích lúa ứng dụng công nghệ cao, dự án VnSAT, tỉnh đã rà soát, đăng ký diện tích tham gia đề án đến năm 2025 là 60.000ha; đến năm 2030, diện tích này sẽ mở rộng và tăng lên 125.000ha. Ngay trong vụ đông xuân 2023-2024, tỉnh Long An đã khởi động triển khai thực hiện đề án.

Tỉnh Long An xác định, mục tiêu quan trọng của đề án là tổ chức lại sản xuất lúa theo hướng bền vững, hình thành vùng trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn có sự đầu tư bài bản và liên kết chuỗi giá trị, từ đó nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho người trồng lúa. Đồng thời, đề án còn hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện môi trường gắn với tăng trưởng xanh.

                                                                                                                     Theo: SGGP