Hộ tiên phong sản xuất thanh long hữu cơ
Tìm về Bát Trang, vùng sản xuất thanh long lớn nhất TP. Hải Phòng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy những vườn thanh long nối tiếp nhau cành lá xanh tươi. Thanh long đang vào vụ ra hoa kết trái, hình ảnh các vườn thanh long rạng ngời khoe sắc trắng tinh khôi, tỏa hương thơm đặc trưng và lan tỏa khắp cánh đồng.
Là hộ đầu tiên đưa cây thanh long về với Bát Trang, ban đầu chỉ là trồng thử nghiệm với vài gốc, đến nay, gia đình chị Phạm Thị Hòa ở thôn Trang đã trồng lên đến 1 mẫu ruộng (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2).
Gia đình chị Phạm Thị Hòa trồng 1 mẫu thanh long, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 10 tấn quả.
Trò chuyện với PV Kinh tế nông thôn, chị Hòa cho biết: Cách đây 25 năm, bố tôi vào miền Nam tìm mua giống thanh long ruột trắng về trồng. Sau nhiều năm thử nghiệm, nhận thấy thanh long sinh trưởng tốt, cho trái nhiều, chất lượng không thua kém những nơi khác nên gia đình mạnh dạn nhân rộng, chuyển đổi diện tích đang cấy lúa và trồng vải sang trồng thanh long.
“Thanh long được trồng hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, đảm bảo đúng quy trình từ khâu đất trồng, nước tưới, phân bón cho đến chăm sóc, tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Trước đây, tôi thường mua phân hữu cơ bón cho thanh long, nhưng nay tự ủ phân từ cá và đậu tương. Sau mỗi lần hái quả xong, tôi bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng phân hữu cơ, phân gà, dùng rơm rạ phủ quanh gốc, vừa để cải tạo đất, vừa hạn chế cỏ dại. Sử dụng phân hữu cơ giúp cải thiện độ tơi xốp và màu mỡ của đất, giúp bộ rễ luôn chắc khỏe, tăng sức đề kháng của cây, nhờ đó cây cho quả nhiều, chất lượng ngon, ngọt, vỏ căng, mỏng”, chị Hòa kể.
Vườn thanh long của gia đình chị Phạm Thị Hòa đang vào thời kỳ ra hoa kết trái, màu trắng tinh khôi của hoa thanh long nổi bật khắp các cánh đồng xã Bát Trang.
Ban đầu, gia đình chị Hòa trồng thanh long theo phương pháp truyền thống: cho cây leo lên trụ xi măng. Từ khi được phổ biến kinh nghiệm trồng và chăm sóc thanh long theo phương pháp hữu cơ, gia đình chị đầu tư 100 triệu đồng làm giàn cho thanh long leo. Nhờ đó, nâng cao năng suất, thanh long ít bị dịch bệnh, nhất là kiểm soát được sâu bệnh.
Trung bình mỗi năm vườn thanh long cho thu hoạch 5 - 6 lần, tổng cộng trên 10 tấn quả, bán với giá 12.000 - 30.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm. Mô hình trồng cây thanh long thương phẩm mang lại cho gia đình chị Hòa khoảng 150 triệu đồng/năm.
Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng
Là vùng đất đầu nguồn sông Lạch Tray, Đa Độ từng nổi tiếng với đặc sản vải Bát Trang. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, người dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng thanh long.