Ông Nguyễn Tiến Trung - Phó Ban nông nghiệp xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn cho biết, hiện nay trên địa bàn 9 thôn của xã có 385ha đất sản xuất lúa. Do hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, đặc biệt thời gian tới dự báo nắng nóng diễn biến phức tạp nên vụ hè thu 2024 chính quyền địa phương chỉ đưa vào kế hoạch gieo sạ 275ha lúa; còn lại 110ha sẽ phải bỏ hoang vì không có nguồn nước tưới.
Theo ông Trung, trong số 275ha đất lúa nằm trong kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2024 của xã Quế Mỹ, có khoảng 5ha ở các khu vực cuối kênh thuộc địa bàn 4 thôn gồm Phước Phú Đông, Phú Cường 1, Đông Nam, An Phú thường bấp bênh nước tưới.
“Những ngày qua, chính quyền địa phương cùng đội ngũ khuyến nông viên cơ sở tập trung vận động, hướng dẫn 100 hộ dân chuyển 5ha đất lúa đó sang trồng bắp và mè trong vụ hè thu tới để tránh thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra”, ông Trung nói.
Ông Lưu Văn Thành - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho hay, trên địa bàn 13 xã, thị trấn của huyện có tổng cộng 3.630ha đất lúa.
Thế nhưng, vụ hè thu 2024 sắp tới huyện chỉ đưa vào kế hoạch gieo sạ 3.095ha, còn lại 535ha không thể sản xuất vì không có công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu.
Ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương Quế Sơn khuyến cáo nông dân cơ cấu những loại giống lúa trung - ngắn ngày có sức chịu hạn tốt đối với việc gieo sạ vụ hè thu 2024 đảm bảo. Đối với 535ha đất lúa thuộc diện bỏ hoang, UBND huyện Quế Sơn đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, nông dân trên địa bàn huyện Quế Sơn thực hiện hiệu quả nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa.
Cụ thể, có 11/13 xã, thị trấn (trừ 2 xã Quế Xuân 1, Quế Phong) tiến hành chuyển 48ha đất lúa ở các khu vực cuối kênh sang sản xuất một số loại cây trồng cạn chủ lực như đậu phụng thâm canh, đậu phụng xen sắn, bắp lai, mè và cải tạo đất để trồng sen… Trong đó, các xã Quế Xuân 2, Quế Thuận, Quế Châu và thị trấn Đông Phú có diện tích chuyển đổi nhiều nhất.
“Kế hoạch đặt ra là 48ha nhưng thực tế những năm gần đây cho thấy, vụ hè thu nào nông dân Quế Sơn cũng tự chuyển đổi ít nhất 125ha đất lúa khó khăn nước tưới sang canh tác các loại hoa màu” - ông Thành nói.
Tích cực hỗ trợ nhà nông
Ông Trần Xuân Bá - Phó Ban nông nghiệp xã Quế Hiệp cho biết, được UBND huyện Quế Sơn phân bổ gần 27,5 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp kinh tế, đầu vụ đông xuân 2023 - 2024 ngành nông nghiệp huyện phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ 19 hộ dân ở thôn Lộc Thượng thực hiện mô hình trồng đậu phụng thâm canh trên 40 sào đất lúa ở khu vực cuối kênh. Theo đó, hỗ trợ người dân về giống, phân bón, tập huấn chuyển giao kỹ thuật thâm canh và phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây đậu phụng...
“Vụ này hầu hết ruộng đậu phụng của mô hình chuyển đổi đều sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, 19 hộ dân ở thôn Lộc Thượng của xã Quế Hiệp đang tiến hành thu hoạch 40 sào đậu phụng.
Theo đánh giá ban đầu, năng suất bình quân 1 sào đạt 125kg đậu khô, bán với giá 30.000 đồng/kg thì thu được 3,75 triệu đồng/sào. Nếu so với sản xuất lúa thì trồng đậu phụng cho giá trị cao hơn 1,2 triệu đồng/sào/vụ” - ông Bá nói.
Trong khi đó, ông Ngô Chí Cường - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Quế Xuân 1 cho hay, vụ đông xuân năm nay đơn vị đứng ra làm trung gian để một công ty có uy tín liên kết với hơn 150 hộ dân ở các thôn Dưỡng Mông, Dưỡng Xuân, Thạnh Hòa của xã Quế Xuân 1 tổ chức sản xuất 20ha đậu phụng trên đất lúa chuyển đổi theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm.
Bên cạnh việc tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chính quyền xã Quế Xuân 1 và các đơn vị liên quan của huyện Quế Sơn đã hỗ trợ cho số hộ dân nêu trên 50% tiền mua hạt giống đậu phụng.
Việc hỗ trợ này áp dụng theo Nghị quyết số 17 (ngày 17/12/2019) của HĐND tỉnh Quảng Nam về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
“Thời điểm này, nông dân ở 3 thôn trên đang thu hoạch đậu phụng của mô hình liên kết sản xuất. Qua đánh giá tại nhiều vùng, năng suất bình quân của mô hình đạt 27 tạ đậu khô/ha.
Vụ đông xuân này, mô hình trồng đậu phụng thâm canh trên đất lúa chuyển đổi ở xã Quế Hiệp mang lại hiệu quả cao.
Bán theo giá thị trường hiện nay là 30.000 đồng/kg thì đạt giá trị 81 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn gieo sạ lúa khoảng 18 - 20 triệu đồng/ha/vụ” - ông Ngô Chí Cường nói.
Ông Lưu Văn Thành - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, ngoài 2 xã Quế Hiệp và Quế Xuân 1, thời gian qua nông dân một số địa phương khác của huyện cũng đang tích cực chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa sản xuất không hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn chủ lực. Thực tế cho thấy, hầu hết mô hình chuyển đổi đều cho giá trị kinh tế cao hơn từ 20 - 40% so với gieo sạ lúa.
Những lưu ý trong chuyển đổi cây trồng trong điều kiện hiện nay
Theo ý kiến của chuyên gia nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) như hiện nay cần thực hiện theo hướng dẫn khoa học kỹ thuật tránh rủi ro thất thu. Trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng khô hạn, trong điều kiện BÐKH và tăng cường biện pháp kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh; mở rộng, phát triển mạnh mẽ các vùng chuyên canh sản xuất gắn với chế biến quy mô lớn, có truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc tương đương cho vườn cây ăn trái, mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, ít nước sản xuất trong mùa khô hạn...”.
Trong mùa khô hạn, nông dân trồng cây ăn trái cần chủ động kiểm tra vườn thường xuyên, phát hiện sâu bệnh kịp thời và có biện pháp phòng trừ thích hợp. Tăng cường vệ sinh, thu gom tàn dư thực vật, cắt tỉa những cành khô, cành bị sâu bệnh, làm cho vườn cây thông thoáng, tạo điều kiện tốt cho cây sinh trưởng phát triển, hạn chế sâu bệnh hại.
Theo các chuyên gia, để thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, các địa phương cần quan tâm thực hiện một số giải pháp về tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình BÐKH hiện nay; lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng. Kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân.
Theo: KTNT