Tọa đàm Hợp tác công - tư trong nghiên cứu, chọn tạo, thương mại giống lúa do Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 31/5 tại Thái Bình. Ảnh: Tùng Đinh.
Tại tọa đàm “Hợp tác công tư trong nghiên cứu, chọn tạo, thương mại giống lúa” do Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 31/5 tại Thái Bình, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) đã có phát biểu phân tích về những đổi mới các quy định trong công tác quản lý, chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ về giống cây trồng.
Chính sách cởi mở khuyến khích đầu tư từ doanh nghiệp
Dưới thời các Bộ trưởng Cao Đức Phát, Nguyễn Xuân Cường và hiện tại là Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đặc biệt các nguyên Thứ trưởng Bùi Bá Bổng và Lê Quốc Doanh là lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, phụ trách công tác KHCN của Bộ, hợp tác công - tư trong nghiên cứu, chọn tạo và thương mại giống cây trồng đã được Bộ NN-PTNT đẩy mạnh trong nhiều năm qua.
Bộ luôn cởi mở và thúc đẩy nhiều chính sách. Từ khi có Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, các dự án đều được triển khai cởi mở. Nhiều đề tài và dự án đã có sự tham gia trực tiếp và đối ứng kinh phí từ các doanh nghiệp.
Trong hệ thống các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Bộ khuyến khích các đề tài, dự án qua nhiều giai đoạn, từ nghiên cứu phát triển, ứng dụng hoàn thiện sản phẩm đến sản xuất thực tế. Các dự án hợp tác công - tư dưới dạng đối ứng vốn, cùng phát triển và chuyển giao thương mại giống đã giúp sản phẩm nhanh chóng đi vào thực tiễn, được doanh nghiệp và người dân đón nhận.
Qua những nhiệm vụ này, các dự án có hợp tác công - tư đã được ứng dụng vào thực tiễn và chuyển giao cho doanh nghiệp. Đây là nội dung xuyên suốt trong nhiều năm, Bộ NN-PTNT luôn có chủ trương mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, hội và hiệp hội để đưa sản phẩm khoa học và công nghệ đến nông dân.
Tận dụng nguồn lực ngoài ngân sách
Hiện nay, chúng ta vẫn chưa thúc đẩy mạng lưới xã hội hóa nguồn ngân sách ngoài nhà nước một cách hiệu quả. Trong khi nguồn lực ngoài ngân sách của chúng ta cũng tương đối mạnh, đặc biệt thông qua các công ty giống, các hội, các hiệp hội và các nguồn tài trợ hợp tác quốc tế. Nếu chúng ta triển khai được việc này một cách bài bản và có hệ thống thì chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và có nền tảng vững chắc hơn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) kỳ vọng các hội, hiệp hội và doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng Bộ NN-PTNT như cánh tay nối dài của Nhà nước. Ảnh: Tùng Đinh.
Việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, phối hợp với các viện nghiên cứu uy tín như Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) là rất quan trọng. Thông qua chuỗi hợp tác công - tư, chúng ta có thể không chỉ nâng cao chất lượng giống lúa mà còn áp dụng các xu hướng và công nghệ mới. Hệ thống giống lúa và ngành sản xuất lúa gạo của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, việc tiếp cận những xu hướng mới sẽ giúp chúng ta tiến xa hơn.
Rất mong thời gian tới, các hội, hiệp hội và doanh nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ như “cánh tay nối dài” của Nhà nước, tạo ra sự kết nối giữa nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và các viện, trường. Điều này sẽ giúp xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc, cũng như hệ thống nghiên cứu và phát triển giống lúa bài bản, đưa nhiều sản phẩm ra thực tiễn hơn.
Nhưng, có thể khẳng định, hợp tác công - tư mới dừng lại ở mức dự án và thiếu lộ trình xuyên suốt, Bộ đã có văn bản gửi Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để đẩy mạnh hợp tác công - tư, đảm bảo tính liên tục theo chuỗi sản xuất. Việc xây dựng hợp tác công - tư theo chuỗi, trong đó xác định người phụ trách chính trong từng khâu là rất quan trọng để tạo sự liên kết cụ thể, phân chia công việc rõ ràng và đồng hành với Nhà nước đầu tư cho các viện, trường để khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, nguồn nhân lực KHCN và các phòng thí nghiệm của các viện, trường trực thuộc Bộ.
Chủ trương xã hội hóa trong nghiên cứu giống lúa là hướng đi quan trọng, với nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội và viện nghiên cứu quốc tế trong bối cảnh nguồn ngân sách đầu tư cho nghiên cứu còn hạn chế.
Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để đánh giá và đưa ra những giải pháp cụ thể trước mắt và đề xuất những vấn đề trong kế hoạch sửa đổi bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách để thúc đẩy hợp tác công - tư trong nghiên cứu, chuyển giao sản phẩm KHCN nói chung và giống cây trồng/giống lúa nói riêng nhằm nhanh chóng đưa sản phẩm nghiên cứu đến tay nông dân.
Thay đổi chính sách nghiên cứu giống cây trồng qua 10 năm
Cơ chế và chính sách liên quan đến nghiên cứu giống cây trồng đã trải qua nhiều thay đổi trong 10 năm qua. Luật Sở hữu trí tuệ ban hành năm 2005 và sửa đổi năm 2009 cũng như Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 (Điều 41) quy định: Bộ trưởng là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ do mình phê duyệt; Bộ trưởng có quyền xét giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.