Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: 'Phải thay đổi lời nguyền trồng lúa'
19/09/24 09:55AM
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng đã đến lúc nông dân miền Tây buộc phải thay đổi khi năng suất, sản lượng của cây lúa dần chạm ngưỡng, dư địa phát triển đã không còn.

Gần 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, cây lúa miền Tây "đổi đời", đi khắp thế giới nhưng nông dân lại vướng "lời nguyền làm lúa không giàu", càng làm càng lỗ. Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời phỏng vấn VnExpress về nguyên nhân, giải pháp và tầm nhìn chính sách để gỡ bỏ "lời nguyền" này.

- Bộ trưởng lý giải thế nào về nghịch lý: chúng ta là cường quốc xuất khẩu gạo, song nông dân miền Tây vẫn loay hoay chật vật với cây lúa suốt nhiều năm?

- Tôi vẫn ám ảnh mãi câu nói đầy cảm thán của một lão nông: "Làm nông đã nghèo, trồng lúa còn nghèo hơn". Thật ra, làm nông thu nhập thấp hơn các ngành nghề khác là tình trạng phổ biến trên thế giới, bởi đối mặt nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường...

Riêng nông dân miền Tây, điểm mạnh là năng động, thích nghi nhanh với nền kinh tế hàng hóa nhưng tư duy còn thiên về năng suất, sản lượng dẫn đến chậm thay đổi trong phương thức sản xuất, thiếu gắn kết chặt chẽ, bền vững giữa sản xuất với tiêu thụ.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ về giải pháp phát triển nông nghiệp, đầu tháng 9. Ảnh: Ngọc Tài

Mục tiêu tối đa hóa năng suất, sản lượng có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn nhất định. Khi chủ trương thâm canh, tăng vụ trở thành chỉ tiêu thi đua của các địa phương thì tập quán lấy sản lượng định hướng sản xuất cũng dần hình thành. Tiêu chí bình xét vinh danh nông dân sản xuất giỏi cũng dựa trên năng suất và sản lượng cao.

Nhu cầu ngày một tăng nên gia tăng sản lượng là mục tiêu hợp lý và cần tập trung thực hiện vào thời điểm đó. Nhờ vậy, Việt Nam từ một đất nước thiếu ăn thành tự chủ lương thực, và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Nhưng rồi tập quán này bắt đầu gây ra hệ lụy. Đất - nguồn dinh dưỡng cho cây lúa, bị suy kiệt, dẫn đến chai cằn. Khi cây lúa không còn dinh dưỡng từ đất thì phải trông cậy những tác nhân bên ngoài. Vậy là phải sử dụng, rồi lạm dụng phân thuốc, các hóa chất để cây lúa tăng trưởng...

Như một vòng luẩn quẩn, càng lạm dụng phân thuốc vô cơ, đất đai lại chai cằn, và càng phải sử dụng nhiều phân thuốc. Hệ luỵ kéo theo là chi phí vật tư đầu vào gia tăng, thu nhập của người trồng lúa bị bào mòn do tập quán sản xuất và nhiều nguyên nhân khác.

- Vậy theo ông, đâu là vấn đề cần ưu tiên giải quyết để người trồng lúa khấm khá lên?

- Bằng chứng từ nhiều quốc gia đã cho thấy, làm nông vẫn có thể giàu, nếu quy mô đất đai rộng lớn và nông dân có kỹ năng cao, sẵn lòng tiếp cận tri thức mới, cách làm mới.

Nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng, một nền nông nghiệp với đặc điểm manh mún nhỏ lẻ, tự phát, cấu trúc ngành hàng rời rạc, chính là thách thức lớn nhất trong chuyển đổi nông nghiệp theo hướng hiện đại với mục tiêu gia tăng khả năng cạnh tranh, cải thiện thu nhập cho người nông dân.

Để giải bài toán đó, nút thắt quan trọng nhất cần giải quyết là nâng cao chất lượng kinh tế tập thể, đặc biệt là Hợp tác xã lúa gạo, theo hướng tổ chức lại sản xuất theo quy trình chuẩn. Lan tỏa tinh thần hợp tác, liên kết, cùng chia sẻ giá trị, chia sẻ rủi ro. Người trồng lúa cần thay đổi theo cách tiếp cận kinh tế, từ "nhiều hơn để được nhiều hơn" - tức lạm dụng nguyên liệu đầu vào dẫn đến tăng chi phí, sang tư duy "ít hơn để được nhiều hơn" - giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm phù hợp với nhu cầu khác nhau của thị trường.

Các chính sách trước đây thường thiên về hỗ trợ trực tiếp đầu vào để sản lượng nhiều hơn. Khi chuyển sang tư duy kinh tế, các chính sách sẽ tập trung hỗ trợ đầu ra, chuẩn hóa chất lượng, kết nối tiêu thụ, để tạo giá trị gia tăng cao hơn. Nói cách khác, mọi hỗ trợ để đạt mục tiêu: giảm chi phí, tăng chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm, nhằm tiếp cận thị trường một cách chủ động hơn, đem lại giá trị cao hơn.