Nêu 9 giải pháp cho phòng chống thiên tai trước thời tiết cực đoan
10/05/24 04:25PM
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu ra 9 nhiệm vụ, giải pháp cho các lực lượng phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong giai đoạn tới tại hội nghị sáng 10/5.
Hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Ảnh: Tùng Đinh.

Hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ NN-PTNT và nhiều Bộ, ngành liên quan, được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thay đổi nhận thức

Sau khi lắng nghe các báo cáo, chia sẻ ý kiến của Bộ ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, năm 2023 dù không có bão đổ bộ đất liền nhưng có nhiều hình thái thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở…

Do đó, trong thời gian tới cần theo sát tình hình thời tiết, chủ động trong công tác chỉ đạo ứng phó. Phó Thủ tướng cũng nhận định chất lượng dự báo khí tượng thủy văn trong thời gian qua đã có tiến bộ, cùng với đó là sự chủ động trong nhiều việc, nhiều cấp để phòng, chống thiên tai.

Tuy nhiên, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như nhận thức của cả nhân dân lẫn cán bộ còn chưa đầy đủ, còn tâm lý chủ quan.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc trước mùa mưa lũ có nơi làm còn chưa tốt. Cũng phải kể đến một số quy định còn chồng chéo, quá cũ và khả năng chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng còn hạn chế, xét trên bình diện cả nước.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp cho công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong giai đoạn mới.

Đầu tiên là kiện toàn tổ chức, bộ máy với phương châm hiệu quả hơn, nhanh hơn, mạnh hơn. Thứ hai, giao Bộ Quốc phòng phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự.

Nhiệm vụ thứ ba là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, ngoài chỉnh sửa còn có thể thay mới. Đặc biệt quan trọng là đẩy mạnh truyền thông, thông tin để nâng cao nhận thức của người dân.

Thứ 5 là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước mùa mưa lũ và rà soát lại các kịch bản phòng chống thiên tai ở các địa phương, Bộ, ngành. Với các cơ quan dự báo, Phó Thủ tướng yêu cầu cần nâng cao chất lượng thông tin, kịp thời và chuẩn xác nhất có thể.

Trong khi đó, các Bộ, ngành và địa phương cũng cần nâng cao năng lực điều hành và tổ chức huy động nguồn lực trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Giải pháp thứ 9 mà Phó Thủ tướng nêu ra là sự động hành của các tổ chức quốc tế. Trong đó có thể là trao đổi kinh nghiệm, thông tin cho Việt Nam hoặc hỗ trợ đào tạo chuyên môn, đặc biệt là trong công tác dự báo.

Các tổ chức quốc tế cũng có thể hỗ trợ thêm về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cho Việt Nam để nâng cao năng lực, giảm thiệt hại trong phòng, chống thiên tai.

Mưa lũ năm 2024 sẽ khốc liệt

Theo thông tin tại hội nghị, năm 2023, trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra 1.964 trận thiên tai, 5.331 sự cố làm 1.129 người chết, mất tích (trong đó, thiên tai làm 169 người chết, mất tích), thiệt hại về kinh tế hơn 9.300 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá, dông lốc, nắng nóng làm 14 người chết, mất tích; thiệt hại về vật chất ước tính hơn 399 tỷ đồng.

Đánh giá về công tác phòng, chống thiên tai năm 2023, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai khẳng định, các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt chỉ đạo công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 16 công điện; Ban Chỉ đạo - Ủy ban quốc gia, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ban hành 64 công điện, văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương ứng phó với các đợt thiên tai.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 8.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 cho 43 tỉnh, thành phố để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở. Sau mỗi đợt thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo cùng với lãnh đạo các cấp ở địa phương đã xuống hiện trường động viên, thăm hỏi người dân bị thiệt hại, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân…

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.

Cũng tại hội nghị, ông Hoàng Đức Cường, Tổng Cục phó Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết hiện tượng ENSO (chỉ thay đổi nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực xích đạo phía đông và trung tâm Thái Bình Dương) đang duy trì trạng thái trung tính đến tháng 6 với xác suất 80 - 85%.

Từ tháng 7 - 9, dự báo ENSO chuyển sang La Nina với xác suất 60 - 65% và có khả năng duy trì trạng thái này trong cuối năm. Chúng tôi đánh giá việc chuyển đổi trạng thái như vậy sẽ khiến hạn hán, mưa lũ, giông lốc, mưa đá ở nước ta năm nay có thể tương tự năm 2020 với các đặc điểm như mùa mưa bão đến muộn, bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện dồn dập trong thời gian ngắn, ông Cường thông tin thêm.

Cụ thể, cơ quan khí tượng dự báo có 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam trong năm nay. Từ nay đến nửa đầu tháng 6, ít có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới mà tập trung vào nửa cuối mùa bão, từ tháng 9 - 11/2024.

Do bão, áp thấp nhiệt đới, lượng mưa 6 tháng cuối năm được dự báo xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt có khả năng mưa lớn tập trung nhiều trong các tháng cuối năm tại Trung bộ.

Các lưu vực sông Trung bộ, Tây Nguyên mùa lũ dự báo xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2024 ở hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An, Hà Tĩnh) ở báo động 1 - 2; hạ lưu các sông chính từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa ở báo động 2 - 3, các sông ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận ở trên báo động 2 (cao nhất là báo động 3).

Tại Yên Bái, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước - Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh dự và tham luận tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước cho biết: “Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình địa chất phức tạp, đồi núi cao, độ dốc lớn, chia cắt mạnh, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, mưa đá kèm giông lốc, rét đậm, rét hại…”.

Trong những năm gần đây, tình hình thời tiết cực đoan, lũ ống, lũ quét xảy ra với tần suất và cường độ lớn hơn gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản trên địa bàn; đặc biệt, trận lũ quét tháng 8/2023 tại 3 xã Hồ Bốn, Lao Chải, Khao Mang, huyện Mù Cang Chải làm 3 người chết, sập, trôi hoàn toàn 57 ngôi nhà.

Qua đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn.

Đồng thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các Bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai cho tỉnh; hỗ trợ kinh phí xây dựng các khu tái định cư cho người dân bị thiệt hại và di dời dân trong tình huống khẩn cấp…