Sản phẩm tơ từ thực vật như tơ chuối, tơ sen,… không xa lạ gì với chúng ta.
Minh họa: Tiến Thành.
Đến thăm một không gian khởi nghiệp được giới thiệu một túi xách làm từ sợi tơ chuối. Sản phẩm tơ từ thực vật như tơ chuối, tơ sen,… không xa lạ gì với chúng ta. Theo tôi được biết nhiều bạn trẻ khởi nghiệp cũng đã tạo ra được nhiều dòng sản phẩm này và đạt nhiều giải thưởng khởi nghiệp.
Tuy nhiên, câu chuyện sau đây mới là điều chúng ta cùng suy ngẫm. Họ chia sẻ rằng túi xách như thế này người khác bán với giá 100.000 đồng (tạm quy đổi). Khi họ nói với khách hàng rằng, nông thôn Thái Lan trồng rất nhiều chuối, trái chuối để ăn thì ai cũng biết, phần lõi thì làm thức ăn cho người và gia súc. Vỏ thân chuối, người dân thường có thói quen vứt bỏ xuống sông rạch, làm ô nhiễm môi trường. Vậy là sản phẩm tơ chuối góp phần đem lại môi trường trong lành cho nông thôn. Nghe vậy, người tiêu dùng chấp nhận mua giá cao hơn 30%.
Khi họ nói tiếp với người tiêu dùng rằng, vỏ thân chuối bị phân hủy sẽ phát tán khí mê - tan lên bầu khí quyển. Như vậy sản phẩm tơ chuối không chỉ giải quyết vấn đề môi trường mà còn góp phần giảm phát tán những tác nhân ảnh hưởng đến khí hậu trái đất. Khi họ thuyết minh như vậy, người tiêu dùng lại chấp nhận trả giá cao thêm khoảng 50%.
Đây là câu chuyện minh chứng xu thế tiêu dùng mới, đó là người ta không chỉ mua một sản phẩm mà mua cách tạo ra sản phẩm đó. Khởi nghiệp là tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới có tính vượt trội. Muốn có tính vượt trội cần đến công nghệ từ thấp tới cao, từ đơn giản đến phức tạp. Ngoài ra, theo xu thế tiêu dùng xanh cần những câu chuyện kể về trách nhiệm xã hội, thân thiện với môi trường ở cấp độ địa phương đến toàn cầu của người tạo ra sản phẩm khởi nghiệp.
Lê Minh Hoan
(Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)