Ở miền châu thổ sông Cửu Long, người đồng bằng gọi lũ lụt là mùa nước nổi, có khi hiền hòa, đôi khi dữ dội dâng cao, “dâng theo bao nỗi sầu đau”. Những cơn bão lớn vẫn còn lưu lại trong ký ức của người lớn tuổi hoặc trong các tư liệu hiếm hoi. Trận bão lịch sử năm Giáp Thìn 1904 cách đây đã hơn một thế kỷ. Mỗi lần nhắc đến chuyện xưa cũ, bà con hay cảm thán: “Nói toàn chuyện năm Thìn bão lụt”. Rồi cơn bão Linda cuối năm 1997 tàn phá kinh hoàng vùng đất Mũi. Gần đây nhất là trận lụt năm 2000, nước ngập trắng đồng.
Trong khi đó, miền Bắc, miền Trung luôn hứng chịu biết bao cơn bão hằng năm, ập vào bất cứ nơi nào, kéo theo mưa to, lũ lớn. Những con đê sông Hồng và hệ thống đê điều được xây dựng, bồi đắp hàng nghìn năm nay. Những trận vỡ đê luôn ám ảnh đến tận bây giờ, “khắp mọi nơi miền đó, nước trào lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết”. Trận mưa lũ lịch sử năm 1971 cướp đi tính mạng gần sáu trăm người, ảnh hưởng cuộc sống hàng triệu bà con. Những dòng sông hiền hòa chở nặng phù sa vun bồi đồng ruộng, bỗng trở nên hung hãn khác thường.
Những ngày nửa đầu tháng 9 năm 2024, cả nước khắc khoải hướng về miền Bắc thân thương oằn mình trong bão lũ. Cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) đáng sợ với các thông số lịch sử về cường độ gió giật, phạm vi tác động, thời gian quần thảo khi tiếp bờ. Các địa phương ven biển trải qua đại họa, ngư dân khốn khó, gia sản nuôi biển mất trắng, đô thị ngổn ngang, nhà cửa, cơ quan, trường học, bệnh viện tốc mái, gãy đổ, cây xanh đô thị ngả nghiêng, trốc gốc. Giông bão quét qua các tỉnh thành đồng bằng sông Hồng, vùng lúa bị ngập úng, hoa màu xác xơ, nhiều vườn cây bao năm tạo lập coi như mất trắng.
Thiệt hại nặng nề nhất đến từ những cơn mưa do hoàn lưu sau bão với cường độ cao, trải trên diện rộng, kéo dài nhiều ngày. Phần lớn diện tích đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía Bắc ngập trong biển nước. Đây là vùng có mật độ dân số thấp, dân cư sống ở các địa hình bị chia cắt, nay càng bị tách biệt bởi tác động của thiên tai cực đoan. Nước dâng tràn hai bờ sông, nhà cửa chìm dần. Hồ đập ngấp nghé mực nước báo động, vừa căng thẳng từng phút, từng giờ theo dõi lưu lượng nước đổ về, vừa chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống chưa từng có tiền lệ.
Những dãy núi trập trùng, hùng vĩ giờ có nơi trở thành mong manh nhất, rủi ro nhất, thiệt hại nhất do sụt lún, sạt lở. Nhiều cung đường uốn lượn quanh co bên ruộng bậc thang bị biến dạng. Những dòng sông suối, nơi nhiều du khách vẫn thường dừng chân trải nghiệm, nay biến thành dòng lũ ống lũ quét. Những hồ đập trong xanh chốn đại ngàn nước cuộn đỏ ngầu. Tất cả bỗng chốc hóa ra hoang tàn, tất cả bỗng chốc trở nên giận dữ, tất cả bỗng chốc sụp đổ, khi các yếu tố bất lợi cùng lúc ập tới.