Biện pháp phòng trị côn trùng gây hại quýt đường?
04/04/22 09:57AM

Các cây trồng nói chung, cây quýt đường nói riêng có rất nhiều loại côn trùng hại cây, tiêu biểu:

1. Sâu vẽ bùa: SVB (Phyllocnistis Citrella).

* Đặc điểm sinh học và triệu chứng gây hại:

- Thành trùng: là loài bướm rất nhỏ có màu vàng nhạt, hoạt động chủ yếu vào ban đêm.

- Ấu trùng (Sâu): màu xanh nhạt, trong suốt dài khoảng 0,4 mm.Vòng đời SVB khoảng 2 tuần.

- Sâu đục thành những đường ngoằn ngoèo trên lá non, làm cho lá không phát triển và co rúm lại, giảm khả năng quang hợp, cây sinh trưởng và phát triển kém nhất là cây con mới trồng, hoa trái dễ bị rụng. Ngoài ra, khi SVB tấn công còn tạo điều kiện cho vi khẩn xâm nhiễm gây bệnh loét.

* Phòng trị:

- Chú ý các đợt cây ra lá non vào đầu mùa mưa hay sau đợt tỉa cành cây ra đọt tập trung.

- Khi SVB có mật số cao thì phun thuốc ngay khi có triệu chứng gây hại đầu tiên.

- Thuốc đặc trị như: Confidor, Regent, Trigar, Vectimec, dầu khoáng DC-Tron Plus,…

2. Rầy chổng cánh: RCC (Diaphorina Citri).

* Đặc điểm sinh học và triệu chứng gây hại:

- RCC có kích thước nhỏ, dài từ 2-3 mm, cánh có vệt trắng. Khi đậu, RCC cắm đầu xuống và cánh nhô cao, ít bay nhảy.

- Xuất hiện nhiều ở đọt non của cây để chích hút nhựa và truyền vi khuẩn gây bệnh vàng lá Greening.

* Phòng trị:

- Dùng bẩy màu vàng để phát hiện RCC.

- Trồng cây chắn gió để hạn chế rầy từ nơi khác vào vườn, trồng xen cây ổi để xua đuổi.

- Nuôi kiến vàng trong vườn để hạn chế rầy chổng cánh.

- Loại bỏ nguồn bệnh ra khỏi vườn: cây, cành nhánh bị bệnh vàng lá Greening.

- Khi cây ra đọt non, mật số rầy nhiều có thể sử dụng: Dầu khoáng, Confidor, Admire 50EC, Actara, Trebon, Applaud hay 5 ml Bassa50EC + 20ml SK Enpray99/ bình 8 lít...

3. Rầy mềm: (Toxoptera Citricidus).

* Đặc điểm sinh học và triệu chứng gây hại:

- Rầy mềm có màu đen hoặc xanh, lớn hơn RCC, dài khoảng 2 mm.

- Sống tập trung trên đọt non, chích hút nhựa, làm các đọt non co rúm lại. Ngoài ra, chúng thải phân có chứa nhiều chất đường giúp bồ hóng phát triển trên lá làm giảm khả năng quang hợp, mặt khác rầy còn truyền Virus gây bệnh Tristeza.

* Phòng trị: 

Chú ý các đợt ra đọt non của cây, thuốc đặc trị là: Admire, Trebon, Actara và Confidor…

4. Nhện gây hại:

* Đặc điểm sinh học và triệu chứng gây hại:

Gồm nhiều loài gây hại, gây hiện tượng lá non bị biến dạng (nhện trắng), trái non bị tấn công có thể bị rụng, nhện là tác nhân gây bệnh da cám và da lu.

* Phòng trị:

- Có thể bị khống chế bằng các loài thiên địch trong tự nhiên.

- Phát hiện được sớm lúc vừa đậu trái, sử dụng các loại thuốc: Ortus, Kumulus, Nissurum, Pegasus, dầu khoáng DC-Tron Plus,…

5. Bù lạch:

* Đặc điểm sinh học và triệu chứng gây hại:

- Hiện diện khá phổ biến trên bông và trái các loại cam quít, thường có mật số cao vào tháng 2-3 dương lịch khi hoa nở rộ và các tháng 7-8-9.

-  Đây là một đối tượng có thể bộc phát tính kháng rất nhanh đối với các loại thuốc sử dụng.

* Phòng trị: cần phát hiện sớm khi hoa vừa rụng cánh, khi thấy có triệu chứng đầu tiên thì tiến hành phun một trong các loại thuốc như: Regent, Confidor, Actara, Vertimec,...

6. Nhóm rệp sáp:

* Đặc điểm sinh học và triệu chứng gây hại:

- Đặc điểm chung của nhóm rệp sáp là cơ thể tiết ra lớp sáp trắng để bảo vệ. Chúng thường bu trên đọt để chích hút nhựa, ngoài ra còn kích thích nấm bồ hóng phát triển trên lá và trên trái nơi chúng thải phân ra.

- Trong điều kiện mùa khô, Rệp sáp có thể tấn công xuống gốc làm cây suy yếu, sinh trưởng kém và chết dần đối với những cây còn nhỏ hoặc làm giảm năng suất, cây mau già cỗi đối với cây đã lớn.

* Phòng trị: Các loại thuốc đặc trị Rệp sáp:

- Dùng để rải gốc: Nokaph 10 H, Sago Super 3 G …

- Dùng để phun: Supracide 40 ND, Nokaph 20 EC, Sanpyryphos 48 EC, Vitashield 40 ND,…

7. Sâu đục võ trái: (Prays Citri Milliire)

* Đặc điểm sinh học và triệu chứng gây hại:

- Trứng ( 2-6 ngày)  => Sâu ( 7,25 ngày)  => Nhộng (3-10 ngày) =>Thành trùng (bướm, 2-18 ngày) => Trứng…

- Con cái đẻ từ 39-334 trứng, trứng được đẻ trên bông và trái non sau đó nở thành sâu, sâu đục vào phần vỏ trái làm vỏ trái u nần.

- Sâu làm kén và hoá nhộng trên những lá gần nơi trái bị đục hay trên trái.

- Thường gây hại từ tháng 2 đến tháng 6 khi điều kiện thời tiết nắng nóng

* Phòng trị:

- Phát hiện triệu chứng sâu mới gây hại trên trái khi vừa tượng trái.

- Thu gom những trái bị nhiễm, chôn sâu xuống đất để diệt sâu còn hiện diện trong trái.

- Theo dõi sự hiện diện của nhộng trên lá hay trái, khi thấy nhộng xuất hiện rộ thì 5-7 ngày sau thì có thể xử lý thuốc để ngăn chặn sự bộc phát của thế hệ kế tiếp. 

- Có thể dùng biện pháp bao trái sớm để ngăn chặn khả năng gây hại của sâu đục vỏ trái ở giai đoạn trái còn non.

- Khi cây vừa tượng trái non, ở những vùng thường xuyên bị nhiễm có thể phun thuốc liên tiếp 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 7-10 ngày. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau:

+ Nhóm lân hữu cơ: Vibasu 40 ND, Sumithion 50 ND, Vitashield 40 ND, Sanpyryphos 48 EC,…

+ Nhóm cúc tổng hợp: Decis 2.5 EC, Peran 50 EC, Cyrin 25 EC, SecSaigon 50 EC, Sherbus 25 ND,…

=> Nên luân phiên sử dụng 2 nhóm thuốc này để tránh lờn thuốc.

(Nguồn: khuyennong.lamdong.gov.vn)