Có mấy phương pháp để bảo quản nông sản?
11/09/23 10:31PM

Có 3 phương pháp để bảo quản nông sản gồm: bảo quản thông thoáng, bảo quản kín và bảo quản lạnh.

Bảo quản nông sản trạng thái thông thoáng:

Bảo quản nông sản ở trạng thái thông thoáng là cách thức để nông sản tiếp xúc trực tiếp với môi trường không khí bên ngoài, nhằm điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ trong kho một cách kịp thời thích ứng với môi trường bảo quản. Do đó giữ được thủy phần và nhiệt độ của khối nông sản ở trạng thái an toàn. Bảo quản thoáng đòi hỏi phải có hệ thống kho vừa thoáng, vừa kín và có hệ thống thông hơi thoáng gió hợp lý.

Trong trường hợp khối nông sản có thủy phần và nhiệt độ cao hơn so với không khí bên ngoài thì tiến hành thông gió tự nhiên hay dùng quạt gió để tận dụng không khí khô lạnh ở ngoài vào. Ngược lại khi nhiệt độ và độ ẩm ở ngoài không khí cao hơn trong kho thì phải đóng kín kho để ngăn ngừa không khí nóng và ẩm thâm nhập vào kho.

Ưu điểm của phương pháp này là quy trình thực hiện đơn giản, chi phí thấp. Có 2 cách bảo quản thông thoáng, đó là: Thông gió tự nhiên và thông gió tích cực.

Thông gió tự nhiên:

Đối với phương pháp thông gió tự nhiên, cần đáp ứng đủ 4 điều kiện:

·  Thời tiết không có mưa và sương mù, độ ẩm thấp;

·  Nhiệt độ không quá cao cũng không quá thấp, phải luôn giữ ở mức trung bình từ 10 - 32°C;

·  Độ ẩm tuyệt đối ngoài trời và xung quanh kho phải thấp hơn độ ẩm tuyệt đối bên trong kho;

·  Nhiệt độ điểm sương ngoài kho không được thấp hơn nhiệt độ điểm sương trong kho.

Việc áp dụng phương pháp thông gió tự nhiên cần được thực hiện theo đúng thời điểm, thời gian có thể mở cửa thông gió là 8 - 9 giờ sáng và 17 - 18 giờ chiều. Trong quá trình mở cửa, phải mở theo hướng gió thổi đến, sau đó mở 2 cửa bên kho và sau cùng là mở cửa cho khí thoát ra.

Thông gió tích cực:

Đây là cách xử lý lô hạt bằng lượng không khí cho đi qua theo độ dày của nó. Với phương pháp này, hạt chưa chín có thể chín tiếp, hạt đã chín có thể giữ được chất lượng và không bị hư hỏng. Ưu điểm nổi bật của phương pháp thông gió tích cực là những chỗ trống trong lô hạt liên tục được thông gió, tạo sự trao đổi khí và độ ẩm giữa hạt với môi trường xung quanh hạt và cuối cùng là không khí bên ngoài.

Phương pháp bảo quản nông sản kín:

Bảo quản nông sản kín hay còn gọi là bảo quản nông sản trong điều kiện thiếu oxy, là việc không cho phép nông sản trao đổi với không khí bên ngoài, hạn chế quá trình hô hấp của nông sản để giữ cho khối nông sản luôn ở trạng thái an toàn.

Ngoài ra, phương pháp bảo quản kín giúp nông sản không bị các vi sinh vật và côn trùng gây hại. Để đảm bảo hiệu quả, khi áp dụng phương pháp này cần đáp ứng các yêu cầu như: Kho hoặc vật dùng để bảo quản nông sản phải đảm bảo kín tuyệt đối, có khả năng chống nóng và chống ẩm tốt, nông sản trước khi mang đi bảo quản phải đảm bảo chất lượng, thủy phần phải dưới mức cho phép.

Bảo quản ở trạng thái kín đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật sau đây:

·  Kho tàng, hoặc phương tiện chứa đựng nông sản phải kín hoàn toàn, không khí bên ngoài không thể xâm nhập được;

·  Thiết bị kho tàng phải đảm bảo chống nóng, chống ẩm tốt;

·  Phẩm chất ban đầu của hạt và nông sản phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng quy định, nhất là thủy phần phải dưới mức an toàn, độ tạp chất phải thấp hơn mức quy định, độ sạch và độ thuần phải dưới mức tối đa cho phép và tuyệt đối không có sâu bệnh phá hoại.

Phương pháp bảo quản lạnh:

Bảo quản nông sản bằng kho lạnh hay tủ đông là phương pháp hiện đại, có độ an toàn cao, giúp nông sản tránh được tuyệt đối sự tác động của môi trường bên ngoài. Với phương pháp này bà con sẽ không còn lo lắng tình trạng nông sản bị hư hại, gây ảnh hưởng đến giá bán cho các thương lái.

Nguyên tắc của phương pháp này là dùng nhiệt độ thấp làm tê liệt các hoạt động của vi sinh vật, côn trùng. Phương pháp này đòi hỏi phải hạ thấp nhiệt độ ở khối sản phẩm xuống một mức độ nhất định, càng thấp càng tốt Để thực hiện phương pháp này người ta dùng nhiều cách để làm lạnh hạt, song có hai cách phổ biến là làm lạnh tự nhiên và lạnh nhân tạo.

Làm lạnh tự nhiên tức là lợi dụng nhiệt độ thấp của không khí trong môi trường bảo quản để hạ thấp nhiệt độ trong khối hạt thông qua phương pháp thông gió tích cực còn làm lạnh nhân tạo tức là sử dụng những phòng lạnh, kho lạnh hoặc những kho có điều hòa nhiệt độ để giữ ở nhiệt độ nhất định của khối hạt.

Đối với phương pháp này, mỗi loại nông sản khác nhau sẽ có nhiệt độ bảo quản không giống nhau. Cụ thể:

·  Kho lạnh bảo quản hạt: Độ ẩm 70%, nhiệt độ từ 18 đến 20°C, hàm lượng oxy trong khi phải đảm bảo thấp và điều kiện ánh sáng cũng phải thấp

·  Kho lạnh bảo quản rau, củ, quả tươi: Độ ẩm từ 90 đến 95%, nhiệt độ 0 đến 12°C, lượng oxy từ 5 đến 10% và điều kiện ánh sáng phải đảm bảo tối.

Phương pháp bảo quản nông sản bằng kho lạnh mang lại hiệu quả cao hơn so với các phương pháp khác. Tuy nhiên, chi phí lắp đặt khá cao và đòi hỏi phải được thực hiện bởi đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp. Vì vậy, phương pháp này thường được áp dụng tại những cơ sở chế biến và phân phối lớn, các khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng nông sản.

Ngoài ra còn một phương pháp nữa mà hiện nay cũng có một số bộ phận thương lái sử dụng, đó là bảo quản bằng chất hóa học. Phương pháp bảo quản nông sản bằng cách này không được khuyến khích vì nó làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

(Nguồn: thvm.vn)