Từ đầu mùa mưa đến nay nhiều gốc cây sầu riêng đều bị thối chảy nhựa màu đỏ nâu, lấy dao tách bỏ lớp vỏ chỗ bị thối chảy nhựa ra thì thấy mặt gỗ bên trong có màu hồng nhạt. Có vân màu tím viền gợn sóng. Những cây bị nặng cả phần gốc thân và rễ bị hư thối, làm lá bị rụng, cây, cành bị chết. Xin cho biết đó là chứng bệnh gì? Có cách nào để phòng trị căn bệnh này?
05/01/14 03:09PM

   Qua mô tả thì cây sầu riêng bị bệnh thối gốc chảy mủ. Bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra, đây là bệnh rất quan trọng và nguy hiểm cho cây sầu riêng, ngoài sầu riêng chúng còn gây hại trên một trăm loại cây trồng khác (trong đó có nhiều loại cây ăn trái như: cam, quýt, chanh, bưởi, xoài, nhãn, đu đủ, sapô, táo, ổi...). Loài nấm này lưu tồn trong đất, trong nước.

   Do có nguồn gốc thủy sinh nên chúng ưa thích và rất cần có ẩm ướt cao để sinh sản, phát triển và gây hại. Vì thế bệnh thường phát sinh, phát triển và gây hại mạnh trong mùa mưa, nhất là khi nhiệt độ không khí ở mức trên dưới 30 độ C mà đất vườn bị đọng nước và trong đất lại đang có sẵn nguồn bệnh.

   Bệnh có thể gây hại ở tất cả các độ tuổi của cây: có thể làm chết cây con trong vườn ươm giống, cây con mới trồng ở giai đoạn kiến thiết vườn. Khi cây lớn bệnh gây thối gốc chảy mủ, thối rễ, nếu nặng có thể làm chết những cành lớn hoặc chết cả cây. Bệnh có thể gây hại cho nhiều bộ phận trên cây.

-           Trên lá: ban đầu vết bệnh chỉ là những vết thối, nếu nặng có thể làm thối phần thịt trái.

-         Trên trái: ban đầu bệnh chỉ là những vết ẩm ướt, màu nâu đen, gặp điều kiện ẩm độ không khí cao bề mặt vết bệnh sẽ xuất hiện những sợi tơ nấm, sau vết bệnh lan rộng dần ra làm cho trái bị thối, nếu nặng có thể làm thối phần thịt trái.

-         Trên gốc thân, cành lớn: chỗ bị nhiễm bệnh chảy ra chất nhựa màu đỏ, vỏ và vùng gỗ phía dưới chuyển sang màu hồng lợt có vân tím, viền gợn sóng. Nếu nặng vết bệnh sẽ ướt đẫm nhựa cây, nhất là khi có ẩm độ không khí cao. Nếu không chữa trị kịp thời bệnh sẽ lan dần vào mạch gỗ và lan rộng dần ra bao phủ hết xung quanh gốc thân, làm cho rễ bị thối, lá bị rụng, đọt và nhánh bị chết, dẫn đến làm chết cây.

   Để hạn chế tác hại của bệnh phải áp dụng nhiều biện pháp một cách đồng bộ ngay tư khi chọn cây giống, thiết kế vườn, làm đất, phân lô, định khoảng cách trồng... nhưng ở đây vườn của các bạn đã được trồng sẵn, cây của các bạn đang bị bệnh thì bạn cần áp dụng một số biện pháp chính sau đây:

-         Cưa bỏ những cành đã bị bệnh chết, đưa chúng ra khỏi vườn rồi tiêu hủy. Cắt tỉa bớt cành, nhất là những cành nằm sát mặt đất (với những cây còn nhỏ), làm sạch cỏ vườn... để vườn luôn được thông thoáng, giúp giầm bớt ẩm độ không khí trong vườn (nhất là vào những lúc trời mưa kéo dài).

-         Trong mùa mưa nếu vườn bị đọng nước, cần xẻ rãnh trên mặt luống để nước mưa thoát xuống mương, đồng thời dọn sạch cỏ, rác... tủ xung quanh gốc để vùng đất xung quanh gốc và mặt vườn luôn khô ráo.

-         Với những vườn, những cây đang bị bệnh cần giảm bớt lượng phân đạm. Nếu bệnh nặng có thể ngưng hẳn việc bón phân đạm, chờ đến khi hết bệnh mới bón đạm trở lại, đồng thời bón bổ xung thêm phân lân và kali, tăng cường bón phân hữu cơ hoại mục (nhất là phân gà).

-         Những lúc cần tưới không nên tưới quá đẫm nước vào vùng xung quanh gốc cây.

-         Kiểm tra vườn cây thường xuyên để phát hiện sớm chỗ bị bệnh khi chúng còn chưa lan rộng, sau đó dùng dao sắc tách cạo bỏ hết phần vỏ chỗ bị bệnh (nhớ thu gom chỗ vỏ bị bệnh vừa cạo ra khỏi vườn và tiêu hủy). Rồi dùng ba muỗng canh thuốc Copper-zine pha với nửa lít nước (hoặc 10-20 cc thuốc Aliette, hay 20-30 gram thuốc Ridomil pha trong một lít nước), lấy chổi hay cọ sơn nhúng nước thuốc quét lên chỗ bị bệnh vừa cạo và vùng lân cận.

-           Với bệnh trên cành, lá có thể dùng thuốc Manzate 200-80WP, Manozeb 80WP, Ridomil MZ - 72 WP (BHN), Aliette 80WP... phun ướt đều lá, cành và cả thân cây (đặc biệt là ở phần gần dưới gốc). Về cách sử dụng thuốc xin các bạn đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất đã in sẵn trên bao bì). 

(Nguồn: Hỏi đáp về phòng trừ dịch hại cây trồng. Quyển 5: Cây ăn trái / Nguyễn Danh Vàn.- Tp.HCM: Tổng hợp, 2008. - 154 tr.; 20,5cm.- Đăng ký cá biệt: VB20103123)