Biết nghề, nuôi cá lãi cao
25/04/16 03:22PM
(Dân Việt) “Nhờ áp dụng kiến thức thu được từ lớp học nghề, việc nuôi cá của gia đình tôi rất hiệu quả, mỗi năm bán khoảng 8 tấn, thu nhập đạt hơn 300 triệu đồng” - anh Nguyễn Đình Thuật ở xã Quang Khải (Tứ Kỳ, Hải Dương) chia sẻ.

Lợi nhuận tăng

Chúng tôi đến thăm khi anh Thuật đang cho cá ăn ngoài ao. Vừa làm, anh Thuật vừa vui vẻ cho biết: “Tôi nuôi cá đã nhiều năm, chủ yếu thả các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép. Trước đây, do tôi không có kỹ thuật nên cá còi cọc, nuôi mãi không lớn. Năm 2013, đang chán nản và tính chuyển hướng làm ăn thì Hội Nông dân (ND) xã mở lớp dạy nghề nuôi thủy sản, tôi liền đăng ký học ngay”.

 biet nghe, nuoi ca lai cao hinh anh 1Anh Vũ Văn Luật chăm sóc ao cá của gia đình. Ảnh: Đức Thịnh

Sau 3 tháng học nghề, anh Thuật đã được các giảng viên hướng dẫn cặn kẽ quy trình xử lý nguồn nước, bố trí ao nuôi, cách chăm sóc và phòng trừ bệnh cho đàn cá. “Giờ tôi đã biết cách sử dụng chế phẩm sinh học để khử khuẩn nguồn nước, biết nuôi xen, ghép hiệu quả nhiều loại cá để tận dụng đa tầng mặt nước và thực hiện phương thức “đánh tỉa thả bù” nên cá chóng lớn, cho năng suất cao. Cùng 1 diện tích nuôi, cùng loại cá, trước đây phải 2 năm tôi mới xuất bán được 1 lứa, năng suất cao lắm cũng chỉ đạt 3 tấn/lứa. Sau khi học nghề, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào ao nuôi, đều đặn mỗi năm tôi xuất bán 2 lứa cá, với năng suất 4 tấn/lứa. Lợi nhuận tăng lên rõ rệt” - anh Thuật nói.

"Từ năm 2010 đến 2015, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh Hải Dương đã trực tiếp tổ chức đào tạo được 165 lớp nghề cho hơn 5.700  lao động nông thôn. Sau đào tạo nghề, các cấp Hội ND trong tỉnh đã hỗ trợ thành lập 65 CLB thủy sản, chăn nuôi với hơn 2.000 thành viên tham gia. Các CLB này thường xuyên được Trung tâm tư vấn kiến thức khoa học kỹ thuật; cung ứng thức ăn, thuốc thú y, thủy sản…”.

Ông Nguyễn Ngọc Tuyến – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và
 Hỗ trợ ND tỉnh Hải Dương

Tương tự, anh Vũ Văn Luật – một hộ nuôi cá ở xã Quang Khải chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ thả cá xuống ao là xong, không có chế độ chăm sóc cá thích hợp nên cá chậm lớn, thu nhập chẳng đáng là bao. Sau khi học nghề, tôi đã áp dụng kỹ thuật thâm canh vào đàn cá nên năng suất tăng lên rõ rệt. Với hơn 3.000m2 diện tích mặt nước nuôi cá, mỗi năm trừ chi phí tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng”.

Liên kết cùng sản xuất

Ông Nguyễn Tiến San – Chủ tịch Hội ND xã Quang Khải cho biết: “Toàn xã có 75 trang trại nuôi thủy sản với tổng diện tích hơn 56ha. Trước đây ND chủ yếu nuôi thủy sản theo kinh nghiệm. Thực hiện Đề án 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn, năm 2013, Hội ND xã đã phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND (Hội ND tỉnh Hải Dương) mở lớp dạy nghề nuôi thủy sản cho 35 ND”.

Để các hộ nuôi cá có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật và thông tin thị trường, sau lớp học nghề, Hội ND xã đã thành lập câu lạc bộ nuôi trồng thủy sản xã Quang Khải (CLB) với 42 thành viên tham gia nuôi thủy sản với diện tích hơn 30ha.

Ông Vũ Ngọc Khải – Chủ nhiệm CLB cho hay, thời gian qua, CLB đã thực hiện tốt việc tổ chức cho các thành viên cùng nhau mua vật tư đầu vào, áp dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nhau về ngày công lao động, thị trường tiêu thụ... góp phần khắc phục tình trạng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, giảm thiểu dịch bệnh, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

“Cứ 1 bao cám cá 25kg, chúng tôi tiết kiệm được 25.000 đồng so với mua ở ngoài. Mỗi năm các thành viên trong CLB cùng nhau lấy gần 150 tấn cám, tính ra tiết kiệm được gần 150 triệu đồng. CLB không chỉ tập hợp được những người cùng sở thích vào sinh hoạt mà còn giúp các hộ ND nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống” - ông Khải nhấn mạnh.

                                                                                                                                              Đức Thịnh