Nghiên cứu kỹ thuật canh tác tổng hợp nhằm nâng cao năng suất chuối mốc (đặc sản địa phương) ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ
19/05/14 01:45PM
Chủ đề: Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu kỹ thuật canh tác tổng hợp nhằm nâng cao năng suất chuối mốc (đặc sản địa phương) ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ

Cơ quan chủ trì: Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Hồ Huy Cường

Thời gian thực hiện đề tài: 2009-2011


Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân nhanh giống chuối mốc sạch bệnh, tạo nguồn sạch bệnh; nghiên cứu ảnh hưởng của các chất điều hòa sinh trưởng và chế phẩm hữu cơ làm tăng hệ số nhân và chất lượng chồi; nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng cây con đối với giống chuối mốc.

Đề tài nghiên cứu các biện pháp canh tác tổng hợp đối với chuối mốc trên đất đồi gò vùng duyên hải Nam Trung Bộ: ảnh hưởng của mật độ trồng, phương thức trồng, biện pháp giữ ẩm, ảnh hưởng của một số loại phân hữu cơ vi sinh, liều lượng phân bón đa và trung lượng (N, P, K, Mg) sinh trưởng, phát triển và năng suất đối với cây chuối mốc trên đất đồi gò. Theo đó mật độ trồng thích hợp cho cây chuối mốc trên đất đồi vùng nghiên cứu từ 1.100-1.300 khóm/ha. Với mật độ trên, năng suất chuối mốc đạt 38,5-45,9 tấn/ha/năm và cao hơn đối chứng từ 12,6-34,2%. Phân hữu cơ thích hợp để bón cho cây chuối mốc là 16kg phân chuồng/khóm/năm, hoặc 30kg phân xanh/khóm.năm, hoặc 2kg phân hữu cơ bã bùn mía/khóm/năm, hoặc 2kg phân hữu cơ sông Gianh/khóm/năm. Sử dụng các loại phân hữu cơ với lượng như trên năng suất chuối mốc đạt từ 33,3-35,3 tấn/ha/năm và cao hơn đối chứng từ 11,4-18,1%. Lượng phân khoáng đa lượng hợp lý để bón cho cây chuối mốc trên đất đồi vùng nghiên cứu là (50gN + 30gP2O5 + 60g K2O5)/khóm/năm. Bón phân khoáng đa lượng như trên cùng với 15 tấn phân chuồng/ha/năm, năng suất chuối mốc đạt 32,5 tấn/ha/năm và cao hơn đối chứng 25,0%, lãi thuần đạt 74,2 triệu đồng/ha/năm và tỷ suất lãi so với vốn đầu tư là 3,2 lần.

Phân tích những ảnh hưởng liều lượng một số loại thuốc trừ sâu và thuốc trừ bệnh (nguồn gốc hóa học và sinh học) đối với một số sâu, bệnh chính hại chuối mốc.

Xây dựng thử nghiệm áp dụng quy trình thâm canh chuối mốc và đánh giá hiệu quả kinh tế; xây dựng mô hình; phân tích và đánh giá hiệu quả kinh tế mô hình thâm canh chuối mốc; tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây chuối mốc và hội thảo đầu bờ đánh giá mô hình thử nghiệm.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20101267)