Chim bồ câu đi ỉa phần màu vàng và có nước. Chim vẫn ăn bình thường, tôi cho uống thuốc đi ỉa mà vẫn không khỏi. Xin hỏi chim bị làm sao?
17/11/20 08:58AM

Chào bạn!

- Rất khó tư vấn cho bạn khi bạn chỉ cung cấp ít thông tin như thế. Việc điều trị hiệu quả khi chúng ta dùng đúng thuốc với chủng loại mầm bệnh, sử dụng đúng liều, đúng liệu trình và chăm sóc tốt.

- Thông thường bồ câu bị bệnh tụ huyết trùng và thương hàn. Chúng tôi giới thiệu bạn đối chứng và có hướng xử lý.

1. Bệnh tụ huyết trùng:

- Bệnh tụ huyết trùng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính của gia cầm và chim. Bệnh do vi khuẩn Pasteurell aviseptica gây ra ở Việt Nam bệnh thường xảy ra vào những thời điểm giao mùa. Mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể gia cầm qua đường tiêu hoá và hô hấp do gia cầm ăn phải thức ăn, nước uống nhiễm bệnh hoặc hít phải bụi ngoài không khí có mầm bệnh...

- Triệu chứng bệnh trong giai đoạn cấp tính gia cầm chết đột ngột với tỷ lệ cao. Chúng có trạng thái mỏi mệt, tím tái, đi lại chậm chạp, liệt chân hay liệt cánh. Phân ỉa chảy thất thường có màu trắng loãng hoặc trắng xanh, đôi khi có máu tươi, thở khó, chảy nước mũi. Giai đoạn 4-5 ngày tích sưng, mũi sưng, viêm khớp và bại liệt, viêm kết mạc.

- Điều trị bệnh bằng cách dùng kháng sinh kết hợp vitamin nhằm nâng cao sức đề kháng.

+ Kháng sinh: Dùng Amoxicillin Trihydrate (sản phẩm BIO-AMOXICILLIN 50%) pha đều 1g/5-6 lít nước uống hoặc 1g/2-3 kg thức ăn, trong 3 ngày. Ngoài ra, có thể dùng các kháng sinh như Flumequin, Sunfamerazin, Sunfaquynoxalin liều 20mg/kg thể trọng (hoặc 1g/lít nước). Các loại thuốc trên phải sử dụng từ 3-5 ngày.

+ Vitamin: Vitamin C (sản phẩm BIO-VITAMIN C 10%) liều 2g / lít nước hoặc 5g/ kg thức ăn, dùng liên tục từ 4-5 ngày. Có thể dùng các loại vitamin tổng hợp như A, D, E, B, K, C… (sản phẩm BIO-VITAMINO ORAL). 

- Cần chú ý vệ sinh chuồng và dụng cụ bằng thuốc sát trùng (có thể dùng Benkocid, Biodine…) để mật độ vi khuẩn có trong chuồng nuôi. 

2. Bệnh thương hàn:

- Bệnh gây ra do một số chủng vi khuẩn thương hàn mà ở bồ câu thường gặp là: Vi khuẩn Salmonella tiphimurium, Salmonella enteritidis. Ngoài ra, trong bệnh thương hàn của bồ câu còn có sự phối hợp của trực khuẩn Escherichia coli có sẵn trong đường tiêu hóa của bồ câu.

- Các loài vi khuẩn trên có thể tồn tại trong chuồng trại và môi trường chăn nuôi từ 1-4 tuần trong điều kiện ẩm ướt, thiếu ánh sáng mặt trời. Vi khuẩn cũng có trong nguồn nước và thức ăn bị ô nhiễm.

- Chim khỏe sẽ bị nhiễm mầm bệnh và phát bệnh khi sử dụng thức ăn, nước uống có mầm bệnh, sống trong môi trường bị ô nhiễm.

- Thời gian ủ bệnh của chim từ 3-4 ngày. Sau khi vào cơ thể chim, vi khuẩn gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa và tiết ra độc tố gây viêm ruột. Một số trường hợp bệnh nặng, vi khuẩn gây nhiễm trùng huyết, xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm phổi, làm cho chim chết nhanh.

- Chim bệnh thể hiện: Đứng ủ rũ, ăn kém hoặc bỏ ăn, uống nước nhiều, sau đó ỉa lỏng, phân có mầu trắng vàng, trắng xanh, có mùi tanh, đôi khi có lẫn máu. Chim sẽ bị chết sau khi phát bệnh từ 5-7 ngày, nếu không được đều trị sớm.

- Chim non theo mẹ và chim mới ra ràng thường bị bệnh nặng và chết nhiều hơn chim trưởng thành, vì chim trưởng thành có sức đề kháng với bệnh hơn chim non.

- Bệnh thương hàn ở bồ câu có thể sử dụng 1 trong các thuốc sau đây để điều trị:

+ Esb3: Pha 2g với 1 lít nước, cho chim uống liên tục 3-4 ngày. Khi trong đàn có một số chim bị bệnh thì dùng thuốc cho uống phòng nhiễm cho cả đàn.

+ Bisepton: Dùng liều 100mg/ kg thể trọng của chim, tán nhỏ thuốc pha nước đổ cho chim uống hoặc trộn với thức ăn cho chim ăn, thuốc dùng liên tục 3-4 này.

+ Oxytetracyclin: Dùng liều 100mg/kg thể trọng của chim, thuốc có thể pha nước cho uống, trộn với thức ăn cho ăn hoặc tiêm bắp thịt, thuốc dùng liên tục 3-4 ngày.

- Kết hợp với thuốc điều trị cần bổ sung Premix khoáng và Premix vitamin vào nước uống hoặc thức ăn để tăng sức đề kháng cho chim.

Phòng bệnh: áp dụng các biện, pháp sau:

- Khi phát hiện chim bênh cần cách ly điều trị kịp thời, đồng thời cũng dùng 1 trong các loại thuốc trên điều trị cho những chim đã nhốt chung chuồng với chim ốm, vì những chim này có thể đã bị nhiễm mầm bệnh.

- Thực hiện vệ sinh, tẩy uế chuồng trại khi có dịch xảy ra, dùng 1 trong các thuốc sát trùng sau phun hoặc vẩy vào chuồng để diệt mầm bệnh: Axit Phênic 5%; Virkon 0,1%; nước vôi 10%; Crêsyl 3%.

- Nuôi dưỡng, chăm sóc tốt đàn chim với khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, các loại khoáng và các vitamin A,D,E,B1,C để nâng cao sức đề kháng với bệnh.

- Tuy nhiên, nhằm xác định bệnh chính xác, bạn nên liên hệ cơ quan thú y địa phương để cán bộ thú y chẩn đoán bệnh chính xác thông qua quan sát triệu chứng và mổ khám bệnh tích. Các loại thuốc thú y bạn liên hệ tại các cửa hàng thuốc thú y. Cần xem kỹ hướng dẫn trên bao bì để sử dụng đúng liều lượng.

(Nguồn: bannhanong.vn)