Cá bị nấm thủy mi thì cần xử lý như thế nào? Xin tư vấn biện pháp phòng bệnh hiệu quả?
30/01/24 08:34AM

Bệnh nấm thủy mi do một số loài nấm dạng hình sợi, bào từ nấm có tiên mao gây ra, với những biểu hiện trên da cá xuất hiện các vùng trắng xám, sau vài ngày tại đó mọc lên các sợi nấm mảnh và phát triển lên thành từng búi nấm trắng như bông, 1 đầu sợi nấm bám vào da của cá, đầu kia tự do ngoài môi trường nước. Khi cá bị bệnh nấm thủy mi sẽ bơi lội không định hướng, ngứa ngáy cọ xát vào bờ hoặc là các vật dụng trong ao.

Bệnh hay phát triển ở các đàn cá bị thương tổn trên da do tác động đánh bắt, vận chuyển hay do ký sinh trùng ký sinh. Bệnh nấm thủy mi thường xuất hiện vào thời điểm có nhiệt độ thấp, như mùa đông, xuân ở miền Bắc hay mùa mưa ở miền Nam.

Khi phát hiện cá bị bệnh, cần có biện pháp sau: Tắm cho cá bằng hóa chất diệt nấm như dung dịch muối ăn, thuốc tím (KMnO₄), Formaline... Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đưa thuốc trực tiếp xuống lồng bè, ao nuôi với nồng độ:

- Methylen với liều lượng 2 - 3 lít/1.000 m³ nước ao nuôi và lặp lại 2 lần trong 1 tuần.

- Iodine với liều lượng 1 lít/5.000 m³ nước ao nuôi hoặc xử lý bằng Vicato 1 kg cho 3.000 m³ nước ao.

- Dùng 500 - 700 g đồng Sunfat (phèn xanh)/1.000 m³ tạt đều khắp mặt ao nuôi.

Để hạn chế mầm bệnh, trong quá trình nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.

(Nguồn: thuysanvietnam.com.vn)