Biện pháp phòng trị bệnh gây hại quýt đường?
05/04/22 09:10AM

1. Bệnh vàng lá gân xanh:

* Tác nhân và triệu chứng gây hại:

- Rầy chổng cánh là tác nhân chính truyền bệnh từ cây nhiễm bệnh sang cây khoẻ. Tuy nhiên, mầm bệnh không truyền qua trứng và hạt giống.

- Cây nhiểm bệnh có lá lốm đốm, gân lá bị sưng rồi trở nên cứng và uốn cong ra ngoài, lá phía trên ngọn nhỏ và hẹp biểu hiện triệu chứng thiếu kẽm (thịt lá vàng, gân xanh), cây thường cho bông và trái nghịch mùa nhưng dễ rụng, trái nhỏ, méo mó và có nhiều hạt lép đen.

* Phòng ngừa:

- Trồng cây giống sạch bệnh: mua cây giống ở nơi đảm bảo chất lượng, sạch bệnh.

- Tiêu diệt toàn bộ nguồn bệnh trong khu vực: đốn bỏ cây nhiễm bệnh, hoặc có thể cắt bỏ (cắt sâu) những cành bị nhiễm bệnh khi bệnh mới chớm xuất hiện.

- Tiêu diệt rầy chổng cánh khi mỗi lần cây ra đọt non, trồng xen ổi để xua đuổi rầy đến.

- Khi tỉa cành cần khử trùng dụng cụ cắt tỉa và phun thuốc trừ RCC vào các đợt cây ra lá non.

2. Bệnh thối rễ chết cây:

* Tác nhân và triệu chứng gây hại: Do nấm Fusarium Solani gây ra.

- Thường xảy ra cho các vườn trồng từ 7 năm trở lên hoặc vườn mới lập trên đất líp củ, đã lên liếp lâu năm. Đất trên liếp lâu năm thường bị suy thoái dần, nên vôi (Ca) và Ma-nhê (Mg) bị rửa trôi một cách trầm trọng. Đất trở nên chua, có pH thường dưới 5.

- Trong quá trình phát triển bên trong rễ cây đã bị nấm xâm nhập vào, nấm Fusarium Solani tiết ra các chất độc làm cho mạch mộc của rễ và thân cây mất tính trương nước và xẹp lại, ngăn cản sự dẫn nước và muối khoáng (nhựa nguyên) lên cung cấp cho lá. Lá thiếu nước nên héo rũ và sẽ rụng do tác động của chất độc từ nấm sinh ra

* Phòng ngừa:

- Cần bón phân chuồng hoặc phân hữu cơ hàng năm (từ 1-3 thúng/cây/năm) kết hợp với tưới nấm Trico-ĐHCT.

- Bón vôi cho liếp hàng năm (200-400 kg/ha/năm).

- Cung cấp thêm Mg bằng cách bón MgSO4 hoặc phun lên cây (50-100 g/cây).

- Khi thiết kế vườn chỉ nên thiết kế liếp trồng 2 hàng mà thôi.

- Hạn chế biện pháp xiết nước khi xử lý ra hoa, khi cần nên dùng hoá chất.

3. Bệnh Tristeza:

* Tác nhân và triệu chứng gây hại:

Bệnh do Virus làm hỏng mạch dẫn nhựa từ trong thân cây xuống rễ, làm rụng lá, chết đọt, lùn cây và làm cho bộ rễ bị thoái hoá. Bệnh lây qua mắt ghép, do xén tỉa hoặc do các loài rầy mềm chích hút nhựa cây và truyền bệnh.

* Phòng ngừa:

Phòng bệnh: trồng bằng giống cây sạch bệnh và thường xuyên theo dõi để phòng trừ rầy mềm khi các đợt cây ra đọt non.

4. Bệnh loét do vi khuẩn: 

* Tác nhân và triệu chứng gây hại:

- Do nấm Xanthomonas Campestris pv. Citri gây ra.

- Bệnh thường gây hại trên lá, trái, cành cây. Trên lá và trái, vết bệnh lúc đầu nhỏ, sũng nước màu xanh đậm, sau đó biến thành màu nâu nhạt, nhô lên mặt lá hay vỏ trái, xung quanh vết bệnh trên lá có quầng vàng nhưng lá không bị biến dạng.

* Phòng trị:

- Chọn cây sạch bệnh để trồng, tỉa bỏ các cành lá bị bệnh mang đi nơi khác và đốt để diệt mầm bệnh, nên trồng thưa.

- Ngoài ra, biện pháp giảm lượng phân đạm bón cho cây và ngưng phân bón qua lá lúc cây đang bệnh hay biện pháp cắt bỏ cành lá mắc bệnh và mang ra khỏi vườn để đốt cũng góp phần rất lớn để tăng hiệu quả của biện pháp phun thuốc vì giảm áp lực của nguồn bệnh xuống.

- Khi sử dụng thuốc, chỉ cần dùng thuốc gốc đồng là có hiệu quả. Có thể dùng thành phần vôi, Kocide, COC-85, Zinc-Copper,… để phòng ngừa. Khi đa số hoa đã đậu thì tiếp tục phun thuốc 10-15 ngày/lần đến khi trái lớn.

5. Bệnh ghẻ nhám:

* Tác nhân và triệu chứng gây hại:

- Ghẻ lồi: do nấm Elsinoe Fawcetti gây ra.

- Ghẻ lõm: do nấm Phoma sp. hoặc Phomopsis sp.

- Đây là những loại bệnh có thể lây lan rất nhanh, thường xảy ra nặng ở các vườn quá ẩm.

- Bệnh thường xuất hiện trên lá và trên trái, vết bệnh thường có màu nâu nhạt, nhô lên (nếu là bệnh ghẻ lồi) và làm cho lá bị biến dạng, xoắn trên cành non, trên trái cũng có vết bệnh tương tự và các vết bệnh thường nối thành mảng lớn.

* Phòng trị:

- Trồng cây không nhiễm bệnh.

- Làm cho vườn thông thoáng và tỉa bỏ các cành bị bệnh mang ra khỏi vườn để tiêu huỷ.

- Có thể phun ngừa bằng các loại thuốc như: Benomyl, Bonaza, Copper-zinc, COC-85 ở các thời điểm trước khi ra lá mới hoặc lúc hoa vừa rụng cánh và sau khi đậu trái.

6. Bệnh chảy mủ thân:

* Tác nhân và triệu chứng gây hại: Do nấm Phytopthora spp. gây ra

- Thường xuất hiện và tấn công trên các vườn có chiều cao mặt liếp thấp, kém thoát nước.

- Biểu hiện lúc đầu là võ của thân cây bị sũng nước ở xung quanh gốc hay ở những phần gần mặt đất, sau đó rễ cây bị thối có màu nâu hợp thành những vùng bất dạng, kèm theo là ứa nhựa ra màu nâu đen và có mùi hôi. Ngoài ra, nấm cũng có thể tấn công trên cuống trái làm thối trái, nhất là những trái gần mặt đất trên các vườn trồng quá dầy.

* Phòng trị:

- Nên phòng ngừa bằng cách trồng thưa, xén tỉa vườn cho thông thoáng và tăng cường bón thêm phân chuồng với vôi hằng năm.

- Khi cây bị bệnh, dùng dao cạo bỏ phần võ bị nhiễm bệnh rồi bôi một trong các loại thuốc gốc đồng trên chỗ cạo hoặc phun thuốc Aliette hay Ridomyl định kỳ khoảng 4 lần/năm.

(Nguồn: khuyennong.lamdong.gov.vn)