Cà phê bị tuyến trùng chuẩn bị phá, trồng mới xử lý đất như thế nào? Muốn phát triển mô hình đa cây trồng xen sầu riêng với mật độ như thế nào là phù hợp?
14/10/21 08:29AM

* Cách xử lý cà phê bị tuyến trùng:

- Nhổ bỏ cây cà phê và rà rễ bằng máy ngay sau khi thu hoạch, thu gom và đưa toàn bộ thân, cành, rễ ra khỏi vườn cà phê.

- Cày đất bằng máy sử dụng lưỡi cày 1 lưỡi, cày 2 lần ở độ sâu 25-30cm theo chiều ngang và chiều dọc của vườn, phơi đất với thời gian ít nhất 2 tháng, sau đó tiến hành bừa ở độ sâu 20-30cm theo chiều ngang và chiều dọc của vườn. Trong quá trình bừa tiếp tục thu gom, nhặt rễ còn sót lại và đốt để tiêu hủy nguồn bệnh.

- Rải vôi bột với lượng khoảng 1.000 kg/ha để cày phơi ải lần cuối trước khi đào hố trồng.

- Trước khi tái canh cà phê cần phân tích mật độ tuyến trùng gây hại cà phê ở độ sâu 0-30cm để xác định phương thức tái canh. Có thể tái canh ngay nếu mật độ tuyến trùng trong đất ít hơn 100 con/100g đất hoặc ít hơn 150 con/5g rễ.

+ Nếu mật độ tuyến trùng từ 100-150 con/100g đất hoặc 150-200 con tuyến trùng/5g rễ cần phải luân canh 1 năm.

+ Mật độ tuyến trùng từ 150-200 con/100g đất hoặc 200-250 con tuyến trùng/5g rễ cần phải luân canh 2 năm.

+ Mật độ tuyến trùng từ > 200 con/100g đất hoặc >250 con tuyến trùng/5g rễ cần phải luân canh 3 năm.

- Trước khi trồng cần làm vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ. Đào hố kích thước 80x80x80cm. Bón lót phân chuồng hoại mục 18kg + 0,5kg phân lân + 1 kg vôi/hố, bón lót trước khi trồng 4-5 tháng.

* Trồng cây che bóng:

Trồng cây che bóng và thực hiện mô hình đa canh: Trồng cây sầu riêng với mật độ hàng cách hàng 12m và cây cách cây 12m.

(Nguồn: khuyennong.lamdong.gov.vn)