Nhà cháu muốn trồng măng tây tím, nhưng kĩ thuật trồng và chăm sóc như thế nào ạ?
24/06/22 08:40AM

Chào bạn!

Kỹ thuật trồng măng tây xanh hay măng tây trắng hoặc tím đều giống nhau, chỉ khác ở nguồn giống ban đầu.

* Kỹ thuật trồng măng tây:

- Măng Tây - tên khoa học là Asparagus - thuộc dạng cây trồng lâu năm, dạng bụi, thân thảo. Măng tây có 3 loại là măng tây trắng, măng tây xanh và măng tây tím.

- Măng tây phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ 20-30˚C, tốt nhất là 23-24˚C. Măng tây có khả năng chịu được rét, nhưng dưới 10˚C, măng ngừng sinh trưởng. Măng tây trồng được cả ở vùng đồng bằng và miền núi. Ở độ cao 600-900m so với mực nước biển, măng cho năng suất cao hơn.

- Hiện nay, măng tây được trồng tại nhiều vùng trong cả nước: Đông Anh (Hà Nội); Kiến An (Hải Phòng), Đức Trọng (Lâm Đồng), Củ Chi (TP.HCM), Bạc Liêu….

* Ươm cây giống:

- Vỏ hạt măng tây rất cứng nên trước khi gieo phải ngâm trong nước nóng khoảng 50˚C (tỷ lệ nước 2 sôi 3 lạnh) trong 24 giờ, cách 4 giờ thay nước và chà hạt 1 lần

- Sau đó ủ hạt trong khăn ấm. Sau 24 giờ, lấy hạt ra rửa sạch và lập lại công đoạn ủ như trên. Sau 2 ngày hạt nẩy mầm (đối với những hạt chưa nẩy mầm cứ cách 24 giờ phải rửa sạch hạt và ủ lại trên khăn ấm, cho đến khi toàn bộ số hạt đã nứt nanh hết)

- Gieo những hạt đã nứt nanh, đất gieo hạt được trộn theo tỷ lệ 2 phần đất + 1 phần phân hữu cơ + 1 phần xơ dừa hoặc tro trấu

- Gieo hạt sâu 1-2cm. Trên mặt luống phủ 1 lớp mùn rồi tưới ẩm. Bón phân và chăm sóc như những cây rau khác trong vườn ươm. Thời gian cây con ở vườn ươm từ 3-6 tháng, cây con đạt chiều cao 25-30cm (Để trồng 1ha măng cần lượng hạt giống từ 0.45-0.5kg tương đương 20.000-25.000 cây giống).

* Điều kiện đất trồng:

- Măng tây thích hợp trồng trên đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa, đất xám, đất đỏ bazan… hoặc đất có thể cải tạo thành đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng hưu cơ, tầng canh tác dày, đất không có độ dốc quá 5-10%

- Khu đất trồng măng tây phải có hệ thống cống rãnh để thoát nước vào mùa mưa, độ ẩm trung bình 65-70%, pH 6,6-7,0.

- Đất không bị phèn hay ngập úng.

- Có thể kết hợp trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như hoa kiểng.

- Măng tây trồng ra đất 4-6 tháng bắt đầu cho măng tơ, thu hoạch liên tục mỗi ngày, có thể cho thu hoạch kéo dài 6-8 năm, thậm chí 10-15-20 năm.

* Bón phân và chăm sóc:

Bón phân: Lượng phân bón cho 1ha đất trồng cây Măng tây cụ thể như sau:

- Bón lót:

Ngay từ đầu khi trồng cây, cần bón lót với lượng phân hữu cơ sinh học Better HG01: 10 tấn + 50 kg Better NPK 16-12-8-11+TE trộn đều.

- Bón thúc:

+ Sau khi trồng 15 ngày: Chọn giữ lại 4-6 cây mẹ khỏe mạnh trên 1 bụi, tỉa bỏ cây nhỏ, cây già và cây bị sâu bệnh. Làm sạch cỏ non, xới xáo vun đất đậy gốc, bón thúc 100 kg Better NPK 16-16-16-9+TE.

+ Sau khi trồng 30 ngày (1 tháng): Cây phát triển thêm nhiều thân mới. Chọn giữ lại 4-6 cây mẹ khỏe mạnh trên 1 bụi, tỉa bỏ cây già, cây bị sâu bệnh, cây nhỏ, và cành lá phát sinh ở phần gốc khoảng 40-50cm để thông thoáng gió phòng tránh bệnh hại cho cây. Bón thúc 100 kg Better NPK 16-12-8-11+TE.

+ Trên cùng một hàng với cây trồng, chen giữa các cây măng, cắm các cọc tre cao khoảng 120cm, cách nhau khoảng 3-4m, rồi dùng dây cước nilon bền chắc (chịu được mưa nắng) giăng thành một hàng đôi (kẹp cây măng vào giữa đôi dây) cách mặt liếp ở độ cao khoảng 40-50cm để chống đổ ngả cây.

+ Sau khi trồng 45 ngày: Cây phát triển thêm nhiều thân mới, tỉa bỏ cây già, cây bị sâu bệnh, cây nhỏ và cành lá phát sinh ở phần gốc khoảng 40-50cm để thông thoáng gió phòng tránh bệnh hại cho cây, bón thúc 100 kg Better NPK 16-16-16-9+TE.

+ Sau khi trồng 60 ngày (2 tháng): bón thúc 100 kg Better NPK 16-12-8-11+TE.

+ Sau khi trồng 75 ngày: bón thúc 100 kg Better NPK 16-16-16-9+TE.

+ Sau khi trồng 90 ngày (3 tháng): bón thúc 100 kg Better NPK 16-12-8-11+TE.

+ Sau khi trồng 105 ngày: bón thúc 10 tấn phân hữu cơ sinh học Better HG01 + 100 kg Better NPK 16-16-16-9+TE.

+ Sau khi trồng 120 ngày (4 tháng): bón thúc 100 kg NPK 16-12-8-11+TE.

+ Sau khi trồng 135 ngày (>4,5 tháng): giai đoạn này cây sẽ bắt đầu trổ măng. Đón đầu lứa măng tơ này,khi quan sát thấy cây mẹ phát triển tốt, đường kính thân cây đạt >10-12mm (lớn hơn điếu thuốc lá) + lá chuyển sang màu xanh đậm thì chọn giữ lại 2-3 cây mẹ khỏe mạnh,tiến hành cắt hạ bớt ngọn cây măng ở độ cao 1,20m để kích thích việc trổ măng, kết hợp dưỡng cành lá thật sum suê để lấy ánh nắng quang hợp nuôi dưỡng cây măng, bón thúc 100 kg Better NPK 16-12-8-11+TE.

+ Sau khi cắt hạ bớt ngọn 5-10 ngày, cây bắt đầu trổ măng tơ. Cần tiến hành thu hoạch cho bằng hết lứa măng tơ này (bất kể đạt hay không đạt chất lượng) để cây măng có chỗ trống chuẩn bị cho ra đời lứa măng kế tiếp nhiều hơn và khỏe mạnh hơn. Thu hoạch lứa măng tơ mỗi ngày, được 12-15 ngày thì bón thúc 100 kg Better NPK 16-12-8-11+TE thu hoạch tiếp 12-15 ngày nữa thì phải tạm ngưng thu hoạch măng ngay.

+ Không nên thu hoạch lứa măng tơ kéo dài quá 25-30 ngày (1 tháng) để tránh cho cây không bị mất sức, suy kiệt, làm ảnh hưởng năng suất, chất lượng các lứa măng sau.

* Bón phân trong chu kỳ dưỡng cây mẹ thay thế:

- Sau khi tạm ngưng thu hoạch lứa măng tơ 12-15 ngày, khi quan sát thấy cây mẹ thay thế vừa đủ lớn, bắt đầu bung tàn cành lá thì tiến hành tỉa bỏ cây mẹ già, cây bị sâu bệnh, cây nhỏ và cành lá phát sinh ở phần gốc, đồng thời bón thúc 100 kg Better NPK 16-16-16-9+TE.

- Khoảng 15-20 ngày sau, khi quan sát thấy đường kính thân cây mẹ thay thế đạt >10-12mm + lá chuyển sang màu xanh đậm thì tiến hành cắt hạ bớt ngọn cây măng ở độ cao 1,20m để kích thích trổ măng (dưỡng cành lá cho thật sum suê để quang hợp với ánh nắng nuôi dưỡng cây); bón thúc10 tấn phân hữu cơ sinh học Better HG 01+ 100 kg Better NPK 16-12-8-11+TE..

- Sau khi cắt hạ ngọn 5-10 ngày, cây sẽ cho lứa măng mới, bắt đầu thu hoạch lứa măng thứ 2 kéo dài khoảng 2 tháng;sau đó nghỉ dưỡng cây mẹ khoảng 1 tháng, rồi thu hoạch tiếp lứa măng thứ 3 kéo dài khoảng 3 tháng. Cứ thế, tiếp tục dưỡng cây và thu hoạch các lứa măng tiếp theo.

- Sau khi thu hoạch các lứa măng trong năm thứ 1, ở mỗi bụi măng chỉ cần giữ lại khoảng 2-3 chồi măng lớn, khỏe mạnh, sạch bệnh để làm cây mẹ thay thế. Ở các lứa măng sau, năm thứ 2 sẽ giữ lại 3-4 chồi măng làm cây mẹ thay thế; năm thứ 3 sẽ giữ lại 4-5 chồi măng làm cây mẹ thay thế; năm thứ 4 sẽ giữ lại 5-6 chồi măng làm cây mẹ thay thế; năm thứ 5 sẽ giữ lại 6-7 chồi măng làmcây mẹ thay thế. Làm như vậy sản lượng và chất lượng măng sẽ tăng dần lên.

- Trong 1 chu kỳ dưỡng cây mẹ thay thế kéo dài 30-35 ngày, cần bón thúc 15 ngày/lần với10 tấn phân hữu cơ sinh học Better HG 01 + 100 kg NPK 16-16-16-9+TE. Lượng phân này sẽ tăng dần lên theo sức lớn của các lứa cây sẽ cho măng lớn hơn, nhiều hơn ở các năm sau.

* Bón phân trong chu kỳ thu hoạch măng:

- Trong 1 chu kỳ thu hoạch măng kéo dài khoảng 80-85 ngày, cần bón thúc 15 ngày/lần với 100-150 kg Better NPK 16-12-8-11+TE. Tùy theo vùng đất trồng và sự phát triển của cây măng, lượng phân bón có thể tăng dần lên tùy theo sức lớn của cây. Cây măng càng lớn gốc thì lượng phân bón thúc càng nhiều, năng suất và chất lượng măng sẽ càng cao hơn. Có thể kết hợp phun thêm các loại phân bón lá Better KNO3, hoặc Đầu Trâu 001, 907 để kích thích cây măng phát triển và cho nhiều chồi măng tốt hơn.

- Sản lượng và chất lượng măng trong mùa mưa bao giờ cũng kém hơn sản lượng và chất lượng măng trong mùa nắng. Trong mùa mưa, người trồng măng tây có thể rút ngắn thời gian thu hoạch hoặc tạm ngưng thu hoạch măng (không nhất thiết phải kéo dài thu hoạch đủ 3 tháng) để tập trung dưỡng cây mẹ, chuẩn bị thu hoạch nhiều măng hơn trong mùa nắng tiếp theo.

* Tưới, tiêu thoát nước:

- Măng tây là cây cho thu hoạch chồi măng non mỗi ngày để làm thực phẩm rau ăn cao cấp, vì thế rất cần được cung cấp đều đặn, đầy đủ nước tưới hàng ngày ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng. Bên cạnh phân bón, nước tưới là một yếu tố quyết định cho năng suất măng nhiều hay ít. Nếu đất nặng thì số lần tưới ít, nếu đất nhẹ thì cần tưới thường xuyên hơn. Mùa nắng phải tưới thường xuyên mỗi ngày, giữ đều độ ẩm của đất để có măng ngọt, mềm với năng suất, chất lượng cao. Mùa mưa phải chú ý tiêu thoát nước cho thật tốt, tuyệt đối không được để úng ngập quá 24 giờ, sẽ làm đầu chồi măng biến dạng cong vẹo, gốc rễ cây măng và chồi măng phát bệnh, hư thối, cây sẽ không cho măng hoặc măng bị giảm chất lượng đáng kể không thể thu hoạch được.

- Với diện tích sản xuất lớn, cách tưới thấm qua rãnh là biện pháp thường được dùng vì ít tốn kém. Tùy khả năng và điều kiện của người trồng, cũng có thể dùng biện pháp tưới nhỏ giọt, tưới ngầm,hoặc tưới phun sương.Cách tưới phun có thể làm phát sinh nhiều cỏ dại.

- Chồi măng sinh sôi và phát triển chủ yếu vào ban đêm.Vì vậy, không được tưới nước cho cây măng tây sau 17 giờ chiều mỗi ngày,vì nước tưới (hoặc nước trời mưa to vào buổi tối nếu có) sẽ làm cong vẹo đầu chồi măng, làm ảnh hưởng, ức chế việc sinh sôi nảy nở các chồi măng vào buổi tối hôm đó, làm giảm hoặc mất sản lượng măng vào ngày hôm sau.

- Chỉ nên tưới nước cho cây măng tây vào các buổi sáng sớm mỗi ngày, sau khi đã thu hoạch xong lứa măng hàng ngày vào mỗi buổi sáng.

* Làm cỏ:

- Sau khi trồng, trước mỗi định kỳ bón phân 15 ngày/lần, cần phải làm cỏ thường xuyên, liên tục, dứt điểm từ khi cỏ còn non, không để cỏ già rơi hạt tái sinh lớp cỏ con cháu + Không dùng rơm, trấu chưa xử lý mầm bệnh (bằng sulfat đồng hoặc nước vôi) để phủ gốc thay việc làm cỏ + Không dùng bạt nilon phủ gốc để khử cỏ, vô tình ngăn cản sự quang hợp ánh nắng làm hỏng bộ rễ chùm và ngăn cản sự phát triển của các chồi măng non.Sau khi bón phân, cần lấy lớp đất trên mặt liếp bổ sung vào gốc cây măng; cách làm này cũng giúp ích rất nhiều cho việc kiểm tra và hạn chế cỏ dại.

- Cũng có thể cẩn thận dùng thuốc diệt cỏ trong giai đoạn tạm ngưng thu hoạch măng chờ thay cây mẹ.

- Cắt hạ bớt ngọn cây để kích thích việc trổ măng:

Để cây măng tây phát triển nhanh và nhiều chồi măng, cần tiến hành cắt hạ bớt ngọn cây măng ở độ cao 1,20m, để giúp cây mẹ phì to gốc và làm tăng thêm đáng kể lượng cành lá quang hợp cho cây, kích thích mạnh việc trổ măng, đồng thời giúp cây tăng năng suất, chất lượng măng lứa sau nhiều hơn, cao hơn lứa trước.

- Chụp nón trên đầu chồi măng để bảo vệ các lá đài:

+ Phần ngọn khoảng 10cm trên đầu các chồi măng non có phân bố các lá đài rất mẫn cảm với nước và đất, cát. Nước mưa, nước tưới hoặc đất, cát nếu lọt vào ứ đọng bên trong các lá đài sẽ làm hư thối các lá đài, làm hỏng chồi măng hoặc làm giảm chất lượng, mất giá trị thương phẩm của măng.

+ Khi các chồi măng xuất hiện trên ruộng trồng cao khoảng 5-6cm, cần tạo ra các mũ chụp hình chóp nón cao khoảng 6-8cm bằng nhựa để chụp nón trên đầu các chồi măng để bảo vệ các lá đài, làm hạn chế sự phát triển của các lá đài đồng thời kềm hãm sự già hóa của chồi măng, giúp tạo ra các chồi măng đẹp ngọn, có giá trị thương phẩm cao hơn.

* Phòng trừ sâu bệnh:

Chú ý phòng trị kịp thời một số đối tượng dịch hại như sâu ăn lá, bọ trĩ, rệp…, các bệnh thán thư, mốc sương, phấn trắng, thối rễ, đốm lá, thối măng… vào mùa mưa măng tây rất dễ bị 1 số bệnh hại. Nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo mộc và vi sinh nhằm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm khi thu hoạch.

(Nguồn: bannhanong.vn)