Xin hỏi kỹ thuật chăm sóc cây dưa hấu?
27/07/21 03:54PM

1. Phân bón:

a. Lượng phân bón (tính cho 1 ha):

Tùy theo độ màu mỡ của đất mà bón phân ở mức thấp nhất và mức cao nhất.

- Bón lót: Phân chuồng mục nên bón 25-30 tấn/ha, NPK tổng hợp loại 13 -13-0 bón 250-300 kg/ha, lân super bón 100 kg/ha.

- Bón thúc: N: 80-150 kg/ha; K₂O: 80-100 kg/ha.

Ngoài ra còn có thể dùng bã đậu tương ngâm, nước phân chuồng ủ mục bón thúc khi quả đang phát triển.

b. Cách bón:

- Bón lót: rải đều phân theo rạch sau đó lấp đất.

- Bón thúc:

+ Lần 1: sau trồng 7-10 ngày, khi cây đã hồi xanh, hòa loãng phân đạm và kali tưới xung quanh gốc.

+ Lần 2: sau trồng 15 ngày, hòa loãng phân đạm và kali tưới vào gốc.

+ Lần 3: khi cây ra hoa, 20-25 ngày sau trồng, bón phân đạm và kali trộn lẫn vào gốc rồi lấp đất.

Bón thúc nuôi quả: Sau khi thụ phấn, đậu quả, 40 ngày sau trồng thì bón thúc nuôi quả, chia làm 3 lần, cứ 1 tuần tưới 1 lần, hay bón vào gốc, sau đó tưới tràn. Trước khi thu hoạch 10 ngày (lần thứ 6), hòa loãng phần kali còn lại để tưới gốc cho quả ngọt.

Lượng phân bón cho dưa hấu:

Loại phân

Bón lót

Bón thúc

Lần 1

Lần 2

Lần 3

Lần 4

Lần 5

Lần 6

Phân chuồng (tấn /ha)

20-30

 

 

 

 

 

 

Lân super (kg)

100

 

 

 

 

 

 

Đạm urea (kg)

 

10-20

20-30

20-30

10-30

10-20

10-20

Clorua kali (kg)

 

10-15

20-25

20-25

10-20

10-20

10

NPK 13-13-0 (kg)

250-300

 

 

 

 

 

 

Lưu ý:

Nếu trồng dưa hấu ghép: Cách chăm sóc cây đòi hỏi khác cây không ghép.

- Giai đoạn đầu không nên bón thúc nhiều cho cây để tránh thân dưa lớn nhanh hơn thân bầu. Khi dưa ngả ngọn bắt đầu thúc từ từ, tăng dần lượng phân bón.

- Khi bón phân tránh để phân dính lên lá làm cháy lá, tránh làm tổn thương rễ khi chăm sóc.

2. Tưới nước, chăm sóc:

a. Tưới nước:

Có thể tưới tràn vào rãnh, để đủ ngấm, sau đó phải tháo ngay, mùa hanh khô 1 tuần tưới 1 lần. Khi dưa có quả cần tưới đều đặn, không tưới ồ ạt tránh làm nứt quả. Trước khi thu hoạch 5 ngày ngừng tưới nước.

b. Chăm sóc:

- Nếu dùng màng phủ nông nghiệp, chỉ cần làm cỏ rãnh dưa, không nên dùng thuốc trừ cỏ ở rãnh dễ làm tổn thương lá.

- Tỉa nhánh: Khi dưa ngả ngọn, cần tỉa bớt nhánh để tránh tiêu hao dinh dưỡng, dây khỏe, giảm sâu bệnh, quang hợp tốt. Nếu mật độ trồng trên 10.000 cây/ha, mỗi cây để 1 nhánh. Nếu mật độ trồng ít hơn 10.000 cây/ha, mỗi cây để 2 nhánh. Thường xuyên tỉa nhánh, nhất là các nhánh gốc và nhánh cấp 2, cắt bằng kéo vào lúc trời nắng.

- Định hướng dây bằng cách lấy que tre ghim dây vào sát mặt đất để gió không làm lật dây.

- Khi cây ngả ngọn cần trải rơm, rạ để tua bám, tránh gió lật dây

- Thụ phấn: Thụ phấn là biện pháp kỹ thuật quan trọng để chăm sóc cây. Ong và côn trùng có thể thụ phấn cho hoa dưa hấu ở ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, để thúc nuôi quả phát triển đều và thu hoạch cùng lúc, có thể thụ phấn bổ sung bằng tay. Thụ phấn vào buổi sáng 6-9 giờ, khi dây dài 1,5 m, sau trồng 25-30 ngày. Ngắt hoa đực nở to chấm phấn đều lên nhụy hoa cái to, thời gian thu phấn nên kéo dài 5-7 ngày. Khi quả to như quả chanh tiến hành định quả.

- Chọn quả: Nên để mỗi dây 1 quả, ở vị trí hoa 3-4, quả có cuống to, dài, bầu to, không sâu bệnh. Chọn hoa cái trên dây to, khỏe, cắm que đánh dấu, tỉa bỏ các quả khác trên cây. Nếu quả nằm chỗ trũng nên kê lên rơm cho khỏi thối.

3. Thu hoạch:

- Thu hoạch tùy theo đặc tính giống và thời tiết.

- Thông thường, sau khi thụ phấn bổ sung 30-35 ngày ở miền Bắc và khoảng 25-30 ngày ở miền Nam, khi quả chín 70-80% thì thu hoạch.

- Để chất lượng trái ngon ngọt, trước khi thu hoạch 7-10 ngày cần phải giảm, cắt nước tùy theo vùng đất.

- Cắt cuống dài 8-10 cm, vận chuyển nhẹ nhàng, dùng rơm lót dưa hấu để tránh dập nát.

(Nguồn: khuyennongvn.gov.vn)