Xin hướng dẫn cụ thể xử lý lúa bị vàng lá đen rễ.
20/11/20 11:33AM

Chào bạn!

Do thiếu hình ảnh, lúa bị vàng lá thối rễ có 2 trường hợp xảy ra:

1. Lúa bị ngộ độc hữu cơ:

- Lúa bị ngộ độc hữu cơ xảy ra khi rơm rạ vụ trước không kịp hoai mục, tiết ra các a-xit hữu cơ, đặc biệt là chất dihydro sulfur H2S rất độc cho cây lúa. Triệu chứng của ngộ độc hữu cơ là rễ lúa có màu đen, mùi hôi, thối rữa không hút dinh dưỡng được nên lá vàng, có nâu đen.

- Biện pháp đối phó là:

+ Rút nước ra, thay nước mới vào.

+ Ngưng bón phân đạm, bón lân để giải độc.

+ Trường hợp rễ bị hư hại nặng, cần phun bổ sung các phân bón lá có chứa lân và kali.

2. Lúa bị bệnh thối gốc vi khuẩn:

- Triệu chứng bệnh thối gốc do vi khuẩn: Đầu tiên lúa bị héo, màu lá vẫn còn xanh, bẹ mọng nước trước tiên sau đó là chết vàng từng chồi lúa, nặng hơn rụi lá từng chòm. Nhổ lên thì chồi bị đứt ngay gốc và ngửi thấy có mùi thối. Thời điểm gây chết rụi thường vào giai đoạn lúa đẻ nhánh tối đa.

- Bệnh vi khuẩn gây thối gốc có thể bộc phát thành dịch và gây hại nghiêm trọng trên những chân ruộng lúa vệ sinh đồng ruộng kém, canh tác giống nhiễm, bị ngộ độc hữu cơ, nhiễm rầy nâu hoặc nhiễm bệnh đạo ôn. Để hạn chế khả năng lây lan và quản lý bệnh đạt hiệu quả cần áp dụng tổng hợp các biện pháp sau:

+ Cần tháo cạn nước trên ruộng để loại bỏ nguồn vi khuẩn và hạn chế lây lan.

+ Rải vôi bột (20-25kg vôi/1.000 m2).

+ Sử dụng thuốc trừ vi khuẩn để phun trị (Kasumin, Kasuran, Starner, Sasa,..) trường hợp trên ruộng xuất hiện đồng thời bệnh đạo ôn và bệnh thối gốc lúa do vi khuẩn thì sử dụng kết hợp với thuốc trừ bệnh đạo ôn (Beam, Flash, Fujione, Filia,.. ) để phun trị. Để đảm bảo hiệu quả đối với bệnh do vi khuẩn cần phun lại thuốc trừ bệnh vi khuẩn 1 tuần sau đó. Lưu ý phun thuốc trừ bệnh theo nguyên tắc 4 đúng, khi lá lúa đã ráo sương hoặc vào buổi chiều nhằm giúp thuốc bám dính tốt, chọn loại béc phun thật nhuyễn để đảm bảo phun ướt đều lá lúa, lượng nước phun phải từ 3- 4 bình 16 lít/1.000 m2. Cần luân phiên thay đổi các loại thuốc để đạt hiệu quả cao hơn.

+ Ngưng ngay việc bón phân đạm, tăng cường bón phân có chứa chất Silic, Canxi, tuyệt đối không kết hợp phun phân bón lá có chứa đạm kết hợp với thuốc trừ bệnh. Chỉ bón phân sau khi đã xử lý tốt bệnh, quan sát thấy vết bệnh đã khô hoàn toàn.

+ Cần kiểm tra lại ruộng sau khi phun thuốc 3-5 ngày, quan sát kỹ mặt dưới lá lúa nếu thấy các vết bệnh đã khô trắng hoàn toàn và rễ lúa ra trắng thì bệnh đã được khống chế.

ThS. Nguyễn Phước Tuyên

(Nguồn: Bạn nhà nông)