Sổ tay hướng dẫn quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long
16/01/24 08:45AM
Sản phẩm này là một trong các tài liệu của “Quy trình quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long” do Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và ban hành năm 2023.

Mỗi năm, khoảng 47 triệu tấn rơm rạ được tạo ra từ sản xuất lúa ở Việt Nam, trong đó, chỉ khoảng 30% được thu gom và sử dụng với mục đích làm nấm rơm, thức ăn chăn nuôi, đệm lót vận chuyển trái cây, v.v., và phần  còn lại chủ yếu là đốt trên đồng hoặc vùi vào ruộng.

Đốt rơm không chỉ gây lãng phí tài nguyên, dinh dưỡng, mà còn gây ô nhiễm môi trường, giảm đa dạng sinh học, biến đổi thành phần cơ giới của đất. Vùi rơm vào ruộng ngập nước làm tăng phát thải khí nhà kính, gây ngộ độc hữu cơ cho lúa vụ sau. Các vấn đề trên có thể được giải quyết thông qua giải pháp nông nghiệp tuần hoàn dựa trên việc thu gom rơm ra khỏi ruộng và sử dụng hợp lý để tạo ra các sản phẩm như nấm rơm, thức ăn cho gia súc, phân bón sinh học, nhựa sinh học và sản phẩm phục vụ nông nghiệp đô thị...

Từ năm 2016 đến nay, Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) đã phối hợp với Cục Trồng trọt, các đối tác trong và ngoài nước phát triển các kỹ thuật, công nghệ sử dụng, chế biến rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính như cơ giới hoá thu gom rơm, trồng nấm, làm thức ăn cho gia súc, phân bón sinh học, nhựa sinh học, v.v…

Tài liệu “Sổ tay hướng dẫn quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp ở Đồng Bằng Sông Cửu Long”, giới thiệu với người đọc  về đặc điểm, hiện trạng xử lý, quy trình quản lý, sử dụng rơm rạ theo hướng tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo. Cuốn sổ tay này sẽ là cẩm nang cho các hộ nông dân, cán bộ khuyến nông, HTX và những người quan tâm đến sản xuất lúa gạo gắn với giảm phát thải khí nhà kính theo hướng tuần hoàn.

Cục Trồng trọt ghi nhận và đánh giá cao IRRI, các đối tác và chuyên gia đã phối hợp với Cục biên soạn cuốn “Sổ tay hướng dẫn quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long” và xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.