Chọn giống và phát triển giống trám lấy quả tại Hòa Bình và một số tỉnh phía Bắc
11/04/16 03:44PM
Trồng trọt

Tên đề tài: Chọn giống và phát triển giống trám lấy quả tại Hòa Bình và một số tỉnh phía Bắc

Thuộc Dự án Khoa học công nghệ Nông nghiệp vốn vay ADB

Tổ chức chủ trì: Viện Cải thiện giống và Phát triển lâm sản

Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Chủ nhiệm đề tài:  ThS. Lý Thu Quỳnh, TS. Hoàng Thanh Lộc

Các cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ: GS.TS. Lê Đình Khả, ThS. Đỗ Thị Lan Hương, ThS. Kiều Đăng Anh, KS. Chu Văn Trọng, KS. Đỗ Thế Hiểu

Thời gian thực hiện đề tài: 9/2009-12/2011

Kinh phí thực hiện: 430 triệu đồng

 

Kết quả nghiên cứu:

Hiên tại, trồng Trám có 2 phương thức trồng là trồng rừng tập trung và trồng phân tán trong các vườn rừng của các hộ gia đình vùng trung du, đồi núi. Phương thức trồng rừng Trám tập trung có 2 dạng là trồng thuần loại và rừng hỗn giao. Phương thức trồng Trám phân tán trong các vườn rừng là phương thức trồng chủ yếu đã và đang phát triển tại các vùng trung du đồi núi, tuy nhiên trong phương thức trồng cây phân tán, việc trồng cây từ hạt thường chỉ để lấy gỗ, thời gian có thể khai thác thường khoảng 25- 30 năm, tỉ lệ cây có quả từ cây trồng từ hạt thấp. Vì vậy, người dân có xu hướng trồng cây trám ghép lấy quả để mau được thu hoạch, có thu nhập đều và ổn định trong các năm.

Đề tài đã tiến hành chọn tuyển cây trội về sản lượng quả trên 4 địa điểm: huyện Kim Bôi, Kỳ Sơn, Cao Phong và thành phố Hoà Bình, kết quả đã chọn được 13 cây trội Trám trắng và 7 cây trội Trám đen. 13 cây trội Trám trắng sai quả có độ vượt về lượng quả trên mức mục tiêu của đề tài. 7 cây trội Trám đen sai quả có độ vượt về lượng quả trên mức mục tiêu của đề tài . Quả trong mỗi cây Trám trắng khá đồng đều về kích thước, độ dày cùi, tỉ lệ cùi/quả, với hệ số biến động từ 0, 69% đến 2,29%. Quả  trong mỗi cây Trám đen cũng khá đồng đều về kích thước, độ dày cùi, tỉ lệ cùi/quả, với hệ số biến động từ 0,90% đến 5,70%).

Các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe con người trong cùi quả Trám trắng ở trạng thái khô tuyệt đối gồm có Protein  7,7%, Lipit  4,0%, Phospho 0,14%,  Can xi  0,98%, Sắt tổng số  16,9 mg/100g,  VitaminC  61,9 mg/100g, Axit tổng số tính theo Axit Citric  5,2%, đường tổng số  7,1 %. Các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe con người trong cùi quả Trám đen ở trạng thái khô tuyệt đối gồm có Protein  11,5%, Lipit  25,1%, Phospho 0,14%,  Can xi  0,55%, Sắt tổng số  9,2 mg/100g,  VitaminC  33,5 mg/100g, Axit tổng số tính theo Axit Citric 1,57%, đường tổng số  5,7 %.

Đề tài đã xây dựng đủ 2,3 ha mô hình rừng trồng Trám ghép; trong đó, tại Hòa Bình 1,0 ha,Tại Ba Vì ( Hà Nội) 1 ha, tại Chí Linh (Hải Dương) 0,3 ha. Cây trồng trong các mô hình sinh trưởng tốt, khoẻ mạnh, không bị sâu bệnh hại.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT- Hoang Thanh Loc)