Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ quản lý có hiệu quả bệnh chồi cỏ mía ở các tỉnh trồng mía Bắc Trung Bộ
19/05/14 03:56PM
Chủ đề: Trồng trọt

Tên đề tài: Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ quản lý có hiệu quả bệnh chồi cỏ mía ở các tỉnh trồng mía Bắc Trung Bộ

Cơ quan chủ trì: Viện Bảo vệ thực vật

Chủ nhiệm đề tài: TS. Trịnh Xuân Hoạt

Thời gian thực hiện đề tài: 2009-2011

 

Kết quả nghiên cứu:

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh chồi cỏ mía tại Nghệ An là do phytoplasma thuộc nhóm 16SrXI (nhóm RYD), nhóm phụ SCGS gây ra và  có độ tương đồng cao với phytoplasma gây bệnh chồi cỏ mía tại Ấn Độ.

Phương pháp nested PCR là phương pháp có độ nhạy và chính xác cao trong xác định nguyên nhân gây bệnh là phytoplasma. Trong số các cặp primers đã sử dụng thì cặp P1/P7 và R16F2n/R16R2 là tốt nhất để phát hiện phytoplasma gây bệnh chồi cỏ mía.

Bệnh chồi cỏ mía lan truyền qua hom giống. Xử lý hom giống bằng nước nóng 50oC trong 3 giờ có hiệu quả giảm tỷ lệ bệnh chồi cỏ mía từ 27,6-30,4% đối với mía trồng mới, 42,6-44,3% đối với mía lưu gốc năm 1 và 67,7-69,7% đối với mía lưu gốc năm thứ 2. LK92-11, FR9404-98 là 2 giống có tiềm năng chống chịu với bệnh chồi cỏ mía, bệnh than đen và rệp mía, cũng như có độ đường khá và có khả năng thích nghi với điều kiện canh tác của Nghệ An.

Đề tài xây dựng 2 mô hình tổng hợp phòng trừ bệnh tại Quỳ Hợp-Nghệ An, mỗi mô hình có quy mô 01 hecta. Tỷ lệ bệnh chồi cỏ mía trong mô hình giảm 100% đối với mía trồng mới và 61,8% đối với mía lưu gốc năm 1 so với ruộng của dân. Mô hình quản lý tổng hợp bệnh chồi cỏ mía cho thu hoạch cao hơn so với ruộng đối chứng của dân là 19.100.000 đồng/ha.

Đề xuất loại bỏ hai giống nhiễm nặng MY 55-14 và ROC-10 ra khỏi cơ cấu giống mía trồng tại Nghệ An; tiếp tục đánh giá và khảo nghiệm khả năng kháng bệnh chồi cỏ mía và các đặc tính nông học khác của các giống SL8306, SL925588 và SL891673, LK92-11, FR9404-98; cho phép nhập giống Phil58260 vào Việt Nam để khảo nghiệm.

 

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-DT20101272)