Nghiên cứu công nghệ xử lý nguồn nước mặt bị ô nhiễm ở vùng nông thôn bằng công nghệ sinh thái
05/05/16 10:03AM
Môi trường

Tên đề tài: Nghiên cứu công nghệ xử lý nguồn nước mặt bị ô nhiễm ở vùng nông thôn bằng công nghệ sinh thái

Mã số đề tài: KC.07.17/06-10

Thuộc chương trình Khoa học Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước: “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn”

Tổ chức chủ trì: Viện Môi trường Nông nghiệp

Cơ quan chủ quản: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Chủ nhiệm đề tài: TS. Lê Văn Nhạ

Các cá nhân tham gia đề tài: ThS. Bùi Thị Lan Hương, TS. Nguyễn Ngọc Cường, KS. Chu Bá Phúc, CN. Đinh Thị Bích Liễu, TS. Phan Văn Minh, Th.S. Phùng Võ Cẩm Hồng, KS. Nguyễn Minh Quang, KS. Đỗ Thị Hải, ThS. Nguyễn Trường Giang

Thời gian thực hiện đề tài: 1/2009-12/2010

Kinh phí thực hiện đề tài: 3.700 triệu đồng

 

Kết quả nghiên cứu:

Đề tài đã xác định được một số vùng phân bố và thu thập mẫu vật, xác định tên khoa học của 19 loài thực vật thủy sinh có khả năng xử lý ô nhiễm hữu cơ cao, đạt được mục tiêu của đề tài. Và xác định khả năng thích ứng với nguồn nước ô nhiễm hữu cơ, trong đó có khả năng chống chịu cao với nồng độ ammonia, BOD5 của một số loài thực vật thu thập được, làm cơ sở cho việc lựa chọn các loài thực vật thủy sinh và mức độ ô nhiễm của nguồn nước phù hợp cho việc xử lý. Với khả năng thích ứng trên, hoàn toàn có thể sử dụng các loài thực vật thủy sinh này để xử lý nguồn nước mặt bị ô nhiễm ở vùng nông thôn có mức ô nhiễm như các nơi đã được khảo sát ở trên.

Đưa ra biện pháp kỹ thuật giữ giống và nhân giống một số loài thực vật thủy sinh; các loài này đều có thể dễ dàng nhân giống được bằng phương pháp vô tính. Nghiên cứu công nghệ sinh thái xử lý nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ dựa trên cả 3 nhóm thực vật thủy sinh: sống chìm, sống trôi nổi và sống nổi, đề tài đã xác định sự phụ thuộc của hiệu quả xử lý vào các yếu tố như: hàm lượng TSS, mức độ ô nhiễm, độ sâu của nước, sinh khối, mật độ quần thể, sự phát triển hệ rễ, cũng như cấu trúc vật liệu lọc, tải trọng lọc, kiểu bãi lọc, xử lý phối hợp,...

Xây dựng công nghệ sinh thái xử lý nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ trên các hệ thống chứa nước khác nhau, trên cơ sở xử lý riêng rẽ hoặc phối hợp giữa các loài; hoặc giữa các hệ thống khác nhau. Nhìn chung, xử lý phối hợp hợp lý sẽ cho hiệu quả xử lý cao hơn và toàn diện hơn so với xử lý riêng rẽ. Công nghệ đã đáp ứng các yêu cầu xử lý nguồn nước mặt và các nguồn nước ô nhiễm đa dạng khác, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của thực tiễn trên diện rộng với tính khả thi cao, do dễ áp dụng, hiệu quả xử lý cao, vốn đầu tư ít, chi phí vận hành thấp, thân thiện với môi trường.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, đề tài đã xây dựng và ứng dụng thành công 2 mô hình xử lý nước mặt bị ô nhiễm ở vùng nông thôn (1 mô hình ở tỉnh phía Bắc có quy mô trên 2000 m2 và 1 mô hình ở phía Nam có quy mô 1000 m2) bằng công nghệ sinh thái, sử dụng các thực vật thủy sinh đã được nghiên cứu trong đề tài.

 

(Nguồn: Thư viện Bộ Nông nghiệp và PTNT-8848)