Sầu riêng thường hay bị sâu đục trái gây hại rất nặng. Xin cho biết liệu có thể áp dụng biện pháp nào để phòng ngừa sâu đục trái sầu riêng được không? Nếu được xin hướng dẫn cách làm?
18/01/14 11:31PM

   Việc dùng bao túi nilon (hoặc bao được sản xuất bằng những vật liêu khác) để bao trái cây phòng ngừa sâu bệnh gây hại cho trái, đã được một số nước trong khu vực áp dụng từ lâu. Vài năm gần đây một số cơ quan chuyên môn ở nước ta cũng đã thử nghiệm biên pháp này để bảo vệ một số loại cây ăn trái như ổi, xoài... và cũng đã thu được những kết quả khá tốt cách làm này đã được khuyến cáo cho bà con nhà vườn áp dụng tương đối có kết quả. Với trái sầu riêng cũng đã được thử nghiệm và cho kết quả tốt. Qua việc áp dụng thử nhiều người cho rằng để phòng ngừa sâu đục trái sầu riêng (Conogethes punctiferalis) biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là dùng bao, túi bao trái lại. Biện pháp này không những phòng ngừa được sâu đục trái (một trong những loại sâu mà nhà vườn trồng sầu riêng rất sợ) mà còn có khả năng phòng ngừa được một số loài sâu hại khác như rệp bông (Planococcus sp.) và một số loại nấm bệnh thường gây hại trên trái.

   Ngoài ra biện pháp này còn làm cho trái có màu sắc đẹp hơn, dễ bán. Về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đảm bảo hơn, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dung.

   Về cách làm có thể tiến hành như sau: chờ khi trái sầu riêng có kích thước gần bằng quả trứng gà thì phun một đợt bằng một trong những loài thuốc như: Decis, Karate, Sevin, Sumi-Alpha…để diệt trừ những ổ trứng và sâu non đã có sẵn trên trái. Sau khi phun thuốc 5-7 ngày thì tiến hành bao trái bằng túi nilon trong, có kích thước 25 x 35 cm. Phía trên miệng bao cột vừa đủ chặt vào cuống trái, phía dưới đáy bao khoét một số lỗ nhỏ để hơi nước thoát ra ngoài (trong thời gian bao sẽ có hơi nước đọng lại phía trong của thành bao, nhưng không làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trái). Cũng có thể dùng túi nilon lớn hơn để bao chùm cả hai trái kế cận nhau, có thể dùng bao bằng giấy xi màng hay bao xốp... để thay bao nilon. Trước khi thu hoạch trái khoảng một tháng tháo bỏ bao để trái có màu xanh trở lại. Đây là biện pháp mang lại kết quả cao, nhưng hơi tốn kém công sức, thời gian.

(Nguồn: Hỏi đáp về phòng trừ dịch hại cây trồng. Quyển 5: Cây ăn trái / Nguyễn Danh Vàn.- Tp.HCM: Tổng hợp, 2008. - 154 tr.; 20,5cm.- Đăng ký cá biệt: VB20103123)