Sổ tay hướng dẫn quy trình kỹ thuật cơ giới hóa gieo sạ giúp tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.
22/01/24 08:06AM
Cuốn “Sổ tay hướng dẫn quy trình kỹ thuật cơ giới hoá gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long” do Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và ban hành năm 2023.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước, với sản lượng lúa thu hoạch mỗi năm khoảng 24 triệu tấn. Canh tác lúa gạo ở ĐBSCL đã thay đổi theo hướng bền vững, giảm vật tư đầu vào, và giảm phát thải trong một số năm gần đây. Tuy nhiên, hiện nay khâu xuống giống ở ĐBSCL vẫn còn hơn 70% áp dụng sạ lan thủ công hŏc máy phun hạt. Thực hành sạ lan không đồng đều nên dẫn đến cần nhiều giống hơn thường trên 120 kg/ha, sử dụng nhiều phân bón hơn, trong khi sức khoẻ cây lúa giảm dễ bị bệnh nên thường áp dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn. Ngoài ra, lúa ở giai đoạn thu hoạch dễ bị đổ ngã gây tổn thất cao trong thu hoạch và xử lý chế biến sau thu hoạch.

Áp dụng cơ giới hóa để cải tiến phương thức canh tác chính xác hơn, giảm lao động thủ công, giảm vật tư nông nghiệp đầu vào, tăng hiệu suất sử dụng đất, nước, giống, phân, thuốc và giảm phát thải khí nhà kính là ưu tiên của Bộ NN&PTNT hiện nay.

Cuốn sổ tay này sẽ là tài liệu sử dụng hữu ích cho nông dân, cán bộ khuyến nông, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp và những người quan tâm đến nâng cao chất lượng canh tác, hiệu quả sản xuất lúa, giảm chi phí, tăng thu nhập, đồng thời đóng góp cho giảm phát thải khí nhà kính.

Cục Trồng trọt ghi nhận và đánh giá cao IRRI, các đối tác và chuyên gia đã phối hợp với Cục biên soạn cuốn “Sổ tay hướng dẫn quy trình kỹ thuật cơ giới hoá gieo sạ tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long” và xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.