Các địa phương phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường
28/02/23 09:01AM
Ngành Nông nghiệp đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân. Để trồng trọt, chăn nuôi phát triển bền vững, nông dân nhiều địa phương đã không ngừng đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; đồng thời, áp dụng các biện pháp sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi thân thiện với môi trường, vì sức khỏe cộng đồng và người tiêu dùng.

Nông nghiệp sạch xu hướng tất yếu

Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp sạch, tự nhiên hữu cơ đang được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn vì sức khỏe bản thân và gia đình. Vì thế, đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ theo hướng an toàn, hữu cơ đang là hướng đi được nhiều nông dân trên địa bàn TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) lựa chọn phát triển. Đối với trồng trọt, trên địa bàn thành phố ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất trồng rau sạch theo hướng hữu cơ. Các mô hình sản xuất rau sạch chủ yếu được người dân trồng thủy canh tập trung tại các xã, phường như Lộc Nga, Lộc Phát, Lộc Tiến, Lộc Sơn và Phường 2. Các mô hình có quy mô dao động từ 0,5 - 3 sào được đầu tư nhà kính, nhà lưới bài bản và hệ thống tưới tự động. Đơn cử như Mô hình Trồng rau sạch theo công nghệ Israel của anh Nguyễn Thái Hòa (thôn Tân Hóa, xã Lộc Nga) mỗi năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng.

Tương tự là Mô hình Trồng rau thủy canh của gia đình chị Trần Quỳnh Anh tại Phường 2, với quy mô hơn 500 m2. Theo chị Quỳnh Anh, mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới được gia đình chị đầu tư hơn 300 triệu đồng để trồng các giống rau xà lách mỡ, Batavia, cải bẹ trắng, cải ngọt, tần ô, rau muống. Các loại rau được gia đình chị thu hoạch mỗi ngày cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị trên địa bàn TP Bảo Lộc, với giá bán từ 40 - 50 ngàn đồng/kg và mang lại nguồn thu nhập từ 600 - 700 ngàn đồng/ngày.

Trồng rau thủy canh công nghệ cao đang là hướng đi được nhiều nông dân tại TP Bảo Lộc lựa chọn đầu tư phát triển

Cùng với mô hình trồng rau thủy canh còn có các tổ hợp tác, tổ hội trồng rau an toàn với tổng diện tích hàng chục hecta rau, củ, quả tại các địa phương như Lộc Tiến, Đại Lào, Lộc Châu, Lộc Sơn và Đam B’ri đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.

Bên cạnh các mô hình trồng rau công nghệ cao, rau an toàn, thì các mô hình chăn nuôi bò sữa, nuôi tằm, nấm đông trùng hạ thảo, nuôi cá nước ngọt, nuôi gà đẻ trứng, trồng măng cụt hữu cơ, bơ ruột đỏ, chăn nuôi dê Nam Phi, vỗ béo bò thịt… có vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Bảo Lộc.

Theo đánh giá của Hội Nông dân TP Bảo Lộc, về cơ bản, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, an toàn được nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn tăng trọng. Qua đó, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho chính người nông dân. 

Ông Vũ Phi Hùng, nông dân trồng măng cụt hữu cơ tại xã Lộc Thanh, cho biết: “Hiện tại, gia đình tôi đang có hơn 5 ha cây măng cụt, trong đó có 2 ha trồng thuần đã cho thu hoạch, số còn lại trồng xen đã được 3 năm tuổi. Mô hình măng cụt của gia đình tôi được Trung tâm Nông nghiệp Bảo Lộc chọn làm điểm sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn theo quy trình VietGAP. Vì thế, trong quá trình chăm sóc vườn, gia đình tôi “nói không” với thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ. Từ chính chất lượng của “măng cụt Bảo Lộc” và quy trình chăm sóc hữu cơ nên giá bán luôn đạt từ 50 - 60 ngàn đồng/kg và không lo về đầu ra”.

Tương tự các mô hình trồng trọt, trong chăn nuôi, người nông dân đã mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại, khép kín thân thiện cùng môi trường với mức đầu tư hàng tỷ đồng. Đơn cử như các mô hình nuôi dê Boer của anh Vũ Quang Chính tại xã Lộc Châu và bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền (Thôn 14, xã Đam B’ri). 

Hay như Mô hình Nuôi bò thịt vỗ béo theo quy trình TMR (Total Mixed Ration) của ông Lê Minh Tuấn (phường Lộc Phát) với quy mô trang trại chăn nuôi luôn dao động từ 80 - 100 con bò nhập ngoại siêu thịt như 3B, Brahman, Red Angus thuần chủng của Úc và bò Chorolais của Pháp. Quy trình này đảm bảo cùng một lúc bò được ăn các loại thức ăn khác nhau với khối lượng phù hợp nhu cầu, ổn định hệ vi sinh vật dạ cỏ, giảm các nguy cơ gây xáo trộn tiêu hóa, từ đó sử dụng hiệu quả lượng thức ăn nạp vào, nâng cao khả năng tăng trưởng của bò. Qua đó, mô hình chăn nuôi mang lại cho gia đình ông Tuấn nguồn thu nhập từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm.

Ông Lê Viết Thống - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Bảo Lộc, cho biết: “Các mô hình trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao, hữu cơ đã cho thấy sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, tư duy và thay đổi thói quen sản xuất của người nông dân. Hiện nay, Hội Nông dân thành phố cũng đang tập trung tuyên truyền, định hướng và huy động các nguồn lực để hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, việc ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng và bảo vệ môi trường được xem là nhiệm vụ trọng tâm”.

Thu gom rơm rạ đắt như tôm tươi, nâng cao thu nhập cho nông dân

Khoảng vài năm trở lại đây, người dân đã mạnh dạn đầu tư mua máy cuộn rơm để giải quyết trước mắt nhu cầu sử dụng rơm của người chăn nuôi, trồng trọt... rất tiện lợi, giảm được nhân công và chi phí xử lý nguồn rơm phế thải và chấm dứt được tình trạng đốt đồng gây ô nhiễm.

Trưa nắng như đổ lửa, trên cánh đồng thị trấn Châu Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), ông Trà Văn Khởi, Ấp Cái Dầy, thị trấn Châu Hưng vẫn cần mẫn lái chiếc máy cày chạy trên cánh đồng rộng mênh mông để cuốn rơm rạ. Chiếc máy cày chạy theo những lối mà máy cắt đã chạy. Chưa đầy mười phút, từ máy cuộn rơm lại đùn ra cuộn rơm lớn được bó cứng bằng dây.

Mấy hôm đầu tiên, chỉ có máy cuộn rơm của ông Khởi hoạt động nên khách hàng phải đặt trước mới có rơm bốc lên ô tô chở đi. Sau đó, một số người có máy cày cũng làm theo. Họ đầu tư mua máy cuộn rơm để thu rơm rạ. Vì vậy, chỉ khoảng một tháng sau khi gặt thì rơm rạ trên đồng đã được dọn sạch. Theo những người có máy cuộn rơm, trung bình cứ mỗi ha lúa gặt xong thì cuộn được chừng 150 cuộn rơm. Nếu bán cho người mua giá trên 30 ngàn đồng/cuộn thì sẽ có được khoảng hơn 5 triệu đồng

Máy cuộn rơm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí.

Ông Trà Văn Khởi cho biết: “lượng rơm rạ thu được nhiều hay ít tùy thuộc vào máy gặt cắt cao hay thấp. Một ngày 1 máy có thể cuộn được khoảng 500 cuộn, trừ chi phí có thể mình thu lãi được khoảng 2 triệu đồng. Hiện, thì cứ khoảng 10 người là có 9 người họ bán rơm cuộn rồi”.

Thay vì đốt bỏ như trước đây thì bây giờ máy cuộn rơm đã giúp cho nông dân đỡ bớt phần vất vả do phải xử lý và cải tạo đồng ruộng sau thu hoạch. Máy cuộn rơm ra đời là một giải pháp giúp người dân giải quyết được số lượng rơm lớn trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời có thêm thu nhập cho người nông dân.

Ông Dương Văn Dễ, Ấp Bà Chăng, thị trấn Châu hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cho hay, “có máy cuộn rơm này mình vừa đỡ chi phí nhân công như khỏi đốt đồng, lại có thêm tiền. Nếu mình đốt thì dễ cháy lan ra vườn tược của bà con cô bác nằm sát với bên ruộng, cũng gây nguy hiểm lắm”.

Ông Lê Hữu Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu chia sẻ, cơ giới hóa trong sản xuất, đặc biệt là cái máy cuộn rơm rất là hiệu quả của bác nông dân. Nông dân không phải đồng, không đốt rơm, từ đó sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe con người và không ảnh hưởng tới môi trường.

Trong quá trình cuốn rơm như vậy bà con nông dân đã làm sạch đồng ruộng của mình và đặc biệt của bác bán rơm và công tác thu hoạch được cho những vùng trồng rau màu đó cũng là một cách tăng thêm lợi nhuận, ông Lê Hữu Ân cho biết thêm.

Trước đây, người dân muốn trồng nấm rơm, làm rẫy hay vận chuyển về làm cây rơm để chăn nuôi gia súc thì phải làm bằng thủ công, rất tốn công và thời gian vận chuyển. Hiện giờ, máy cuộn rơm đã giúp người dân với nhiều tiện lợi khi cần sử dụng rơm.

Máy cuộn rơm đã góp phần loại bỏ tập quán đốt đồng gây nguy hiểm và ô nhiễm môi trường, đồng thời giúp người nông dân có được nguồn thu nhập tăng thêm, cũng như tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm nông nghiệp.

Tuyên Quang chú trọng xử lý chất thải nguy hại từ nông nghiệp

Để giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu xây dựng, lắp đặt bổ sung 6.000 bể chứa và 96 khu vực lưu chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2021, lượng, loại thuốc BVTV sử dụng trên địa bàn tỉnh khoảng 346 tấn/năm và ước tính lượng vỏ bao bì thuốc BVTV chiếm khoảng 10%, tương đương 30 đến 35 tấn/năm. Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), gói thuốc BVTV sau khi được thu gom về các bể chứa, lưu chứa không quá 12 tháng, chủ nguồn phát thải nguy hại phải ký hợp đồng với cơ sở đủ điều kiện xử lý chất thải nguy hại để tiêu hủy.

Bộ TN&MT cũng quy định, bao, gói thuốc BVTV không được chôn lấp, đốt thủ công ngoài môi trường tự nhiên bởi những vỏ bao, gói bị đốt không đúng quy cách sẽ sinh ra chất dioxin, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, hệ miễn dịch của con người. 

Tỉnh Tuyên Quang chú trọng xử lý chất thải nguy hại từ nông nghiệp.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có trên 5.400 bể chứa, 41 kho xử lý rác thải được xây dựng, lắp đặt. Tuy nhiên, công tác thu gom, xử lý lượng chất thải nguy hại này tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. 

Mới đây, UBND tỉnh đã triển khai Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2022-2025. Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả cũng như việc thu gom, vận chuyển và xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đảm bảo theo đúng quy định; tạo cơ sở để phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ; bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng; thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. 

Cụ thể, trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu xây dựng, lắp đặt bổ sung 6.000 bể chứa và 96 khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Xây dựng 8 mô hình điểm về sử dụng thuốc BVTV an toàn và thu gom, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn các huyện, thành phố.  

Phấn đấu ít nhất 70% bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh từ hoạt động sản xuất trồng trọt ở những khu vực sản xuất tập trung được thu gom. 100% bao gói thuốc BVTV sau sử dụng thu gom từ bể chứa, khu vực lưu chứa được vận chuyển, xử lý tiêu hủy theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. 

Các xã, phường, thị trấn, các khu sản xuất trồng trọt tập trung trên địa bàn tỉnh sẽ được trang bị bể chứa, khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và thường xuyên tổ chức các hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng một cách hiệu quả. 

Xây dựng mô hình câu lạc bộ IPM với sự tham gia của các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp để trao đổi kinh nghiệm, tuyên truyền và phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật đặc biệt là nguyên tắc “4 đúng”, “5 quy tắc vàng” trong sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến năm 2025, hoàn thiện hệ thống bể chứa, khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các xã, phường, thị trấn sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh đảm bảo đủ số lượng, tiêu chí bảo vệ môi trường theo quy định, lồng ghép với quy hoạch nông thôn mới, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), 3 giảm 3 tăng, SRI ... khuyến khích thực hiện áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hỗ trợ việc sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc thế hệ mới trong sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu nguồn rác thải, đặc biệt là bao gói thuốc BVTV trong sản xuất trồng trọt.

Xây dựng các mô hình điểm về sử dụng thuốc BVTV an toàn và thu gom, vận chuyển bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn các huyện, thành phố; Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mô hình làm căn cứ để các địa phương nhân rộng trên địa bàn quản lý đảm bảo theo đúng quy định. 

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, Hợp tác xã, người sản xuất về việc quản lý nguồn chất thải từ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Tổ chức tập huấn hằng năm cho cán bộ quản lý, công chức, viên chức phụ trách lĩnh vực môi trường, trồng trọt, bảo vệ thực vật; các tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc BVTV nắm vững kiến thức và các quy định liên quan đến thuốc BVTV để hướng dẫn cho người dân trong sử dụng, thu gom, vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

                                                                                                                 Theo:KTNT