Các tỉnh miền Trung chú trọng sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh và thiên tai
01/09/21 08:49AM
Sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm trong vụ Đông năm 2021 được các địa phương lên kế hoạch và tìm giải pháp, sao cho đạt được hiệu quả kinh tế và thích ứng với tình hình hiện nay.
Nghệ An không lấy sản xuất bằng mọi giá mà phải bằng mọi cách
 
Đối với Nghệ An, vụ đông những năm trước đây đều có những kết quả đáng ghi nhận, sản xuất vụ đông đã trở thành đòn bẩy quan trọng để tiến đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Nhiều mô hình sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao và đang có chiều hướng mở rộng. Hàng năm vụ đông xuân đóng góp 7-8% sản lượng lượng thực, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình.
 
bna_vantruonglua16285844_2882018.jpg
Nông dân huyện Yên Thành thu hoạch lúa vụ xuân thắng lợi (ảnh báo NA)
Yên Thành là “vựa lúa” của tỉnh Nghệ An, vụ xuân năm nay toàn huyện có gần 13.000 ha lúa, với giá thu mua tại ruộng là 5.700 đồng/kg lúa tươi; nếu phơi khô vừa thì giá 7.000 đồng/kg; quạt sạch thì giá lúa là 7.300 đồng/kg. Mức giá này cao hơn vụ xuân năm ngoái 500 – 700 đồng/kg, người nông dân ở đây đã có lãi.
 
Ông Võ Văn Giáp - Giám đốc HTX Nông nghiệp Diễn Liên (Diễn Châu) cho biết: “Vụ xuân năm nay, bà con xã viên gieo trồng 350 ha lúa, năng suất đạt đỉnh với 7,8 tấn/ha. Hiện, HTX đang thu mua lúa cho bà con với mức giá 6.500 đồng – 7.000 đồng/kg lúa tươi giống CS6, mức giá cao nhất từ trước đến nay. Toàn vụ dự kiến HTX sẽ bao tiêu khoảng 400 tấn lúa cho bà con. Được mùa, trúng giá, mỗi ha lúa nông dân lãi 20-25 triệu đồng/ha.
 
Tuy nhiên, việc sản xuất của bà con nông dân từ nay đến hết vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bởi  còn khoảng 2-3 cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Trung Bộ, khả năng mưa lớn dồn dập trong các tháng 10 và 11/2021; trong khi hệ thống thủy lợi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu tiêu úng, thoát nước. Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến đầu tư tái sản xuất, tiêu thụ nông sản...
 
Tại Hội nghị triển khai Đề án sản xuất vụ đông năm 2021, ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các địa phương phải tập trung chỉ đạo, phấn đấu sản xuất đạt mức cao nhất về diện tích, năng suất, sản lượng, với phương châm sản xuất an toàn và phát huy mọi nguồn lực, đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao, gia tăng giá trị sản xuất, góp phần quan trọng vào hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2022. Không sản xuất bằng mọi giá, nhưng phải bằng mọi cách, để đảm bảo đạt kế hoạch sản xuất đề ra.
 
Chủ động ứng phó khi có thiên tai xảy ra
 
Theo kế hoạch vụ đông năm nay, Nghệ An phấn đấu gieo trồng 35.545 ha cây trồng vụ đông các loại, hiện nay các địa phương đang phải tập trung chỉ đạo, phấn đấu sản xuất đạt mức cao nhất về diện tích, năng suất, sản lượng, với phương châm sản xuất an toàn và phát huy mọi nguồn lực, đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao, gia tăng giá trị sản xuất, góp phần quan trọng vào hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp.
 
bna_rau_hung_nguyen_anh_phu_huong7997505_982021.jpg
Cây rau màu đem lại hiệu quả kinh tế cao trong vụ đông 2020 tại huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Phú Hương
Ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cũng nêu rõ: Sản xuất vụ đông năm 2021 phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai, bão lụt; các loại dịch hại có nguy cơ phát sinh gây hại nặng; dịch bệnh Covid - 19 bùng phát mạnh trong nước cũng như trên thế giới. Do đó, thời vụ sản xuất phải phù hợp điều kiện thực tế, vừa giảm thiểu được thiệt hại do mưu lũ, vừa đảm bảo cho năng suất cao và không ảnh hưởng đến kế hoạch gieo trồng cây trồng vụ xuân 2021. Đặc biệt, tập trung tu sửa, nạo vét kênh mương, các công trình thủy lợi, đảm bảo vận hành tốt phục vụ sản xuất. Có phương án chủ động ứng phó khi xảy ra mưa lớn, lũ gây ngập úng.
 
Ông Đệ nói: “Để đảm bảo sản xuất vụ đông giành được thắng lợi, đề nghị UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ giá giống ngô sinh khối, khoai tây có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm và trồng ngô, rau màu các loại trên đất lúa. Thiết lập trang webside của tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản Nghệ An để kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân”.
 
Hà Tĩnh: Đa dạng cây trồng, chủ động nguồn thực phẩm tại chỗ
 
Theo Sở NN&PTNT, vụ đông 2020 diễn ra trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do mưa lớn cực đoan và ngập lụt ở 118 xã/11 huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, nhờ thời vụ tập trung từ tháng 12 trở đi đã giúp vụ đông 2020 của Hà Tĩnh giành thắng lợi toàn diện cả diện tích, năng suất và sản lượng.
 
Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 12.104/10.831 ha (đạt 111,7% kế hoạch). Trong đó, ngô lấy hạt, rau các loại và khoai lang đều vượt kế hoạch và tăng cao hơn năm 2019 cả diện tích và sản lượng.
 
84d4180026t22225l0.jpg
HTX Sản xuất, kinh doanh tổng hợp Nhật Hằng (xã Lộc Yên, Hương Khê) là một trong những HTX thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh bưởi Phúc Trạch.
Các loại cây ăn quả, diện tích bưởi các đạt 3.857 ha (bưởi Phúc Trạch khoảng 2.700 ha), trong đó diện tích cho sản phẩm 2.280 ha, năng suất bình quân đạt 112,83 tạ/ha, sản lượng đạt 25.726 tấn; cây cam có 4.938/7.282 ha cho sản phẩm, năng suất đạt 84,37 tạ/ha, sản lượng đạt 41.662 tấn.
 
Vụ đông 2021, Sở NN&PTNT chủ trương bố trí 11.332 ha các loại cây trồng trên tinh thần đa dạng hóa các loại cây trồng và né tránh thiên tai. Trong đó, ngô lấy hạt 3.726 ha; ngô sinh khối 1.568 ha; khoai lang 1.480 ha; rau các loại 4.558 ha.
 
Căn cứ vào tiềm năng, lợi thế của từng vùng, các địa phương tổ chức các mô hình sản xuất mới theo hướng đưa các cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích và khuyến khích liên kết với các doanh nghiệp; đầu tư chuyển đổi số, kinh tế số nhằm đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
 
Tiếp tục mở rộng các mô hình đã cho hiệu quả như: sản xuất dưa lưới trong nhà lưới, nhà màng; sản xuất hành tăm ven chân núi Hồng Lĩnh, mô hình bí xanh tại Tượng Sơn, mô hình khoai lang KCL20-209 tại Cẩm Xuyên.
 
Ứng phó với thiên tai và phòng chống dịch COVID-19
 
Theo Sở NN&PTNT, tình hình sản xuất và đời sống dân sinh của Hà Tĩnh hiện gặp nhiều thách thức khi ứng phó với thiên tai và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn có ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Tĩnh trong tháng 9 và tháng 10; có từ 2 - 3 đợt lũ trùng với thời điểm Hà Tĩnh đang thu hoạch lúa hè thu và bắt đầu sản xuất vụ đông. Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, việc thực hiện các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; di dời, sơ tán người dân sẽ khó khăn và nguy cơ lây nhiễm rất cao.
 
84d4180305t27360l0.jpg
Hà Tĩnh đang phải đối mặt với tình huống phòng chống thiên tai mới trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Trong ảnh: Trận lũ lụt lịch sử năm 2020.
 
Hiện nay, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 1.500 ha lúa hè thu, dự kiến tập trung từ ngày 5 - 10/9 tới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tiến độ thu hoạch lúa có khả năng bị chậm tiến độ; thiếu hụt máy gặt, nhất là các vùng thực hiện cách ly y tế theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nguy cơ gặp diễn biến xấu của thời tiết. Việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.
 
Do đó cần chủ động các giải pháp tại chỗ để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch hè thu; các địa phương cần có phương án cụ thể trong việc điều tiết máy gặt, hỗ trợ nhân lực để thu hoạch vừa đảm bao tiến độ nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu phòng dịch; rà soát lại kịch bản phòng chống thiên tai, ứng phó tốt với diễn biến dịch bệnh khi các ca bệnh trong cộng đồng tăng cao, nhất là đối với những vùng xung yếu, phải di dời; tham mưu UBND tỉnh phân bổ vắc - xin tiêm phòng cho người dân vùng thuộc diện phải sơ tán khi có bão lũ...
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị các ngành, địa phương nâng cao trách nhiệm, chuẩn bị kỹ các tình huống để chủ động vừa tổ chức sản xuất tốt nhất, vừa đảm bảo chống dịch an toàn.
 
Đồng thời, các địa phương phải bám sát đồng ruộng, đánh giá tiến độ chín của từng trà lúa để điều hành máy gặt hợp lý, tuân thủ phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhưng không chín ép; chuẩn bị phương án sấy lúa cho bà con phòng mưa lũ có thể xảy ra; kết nối, tạo điều kiện thu hút các đầu mối tiêu thụ về địa bàn.
 
“Xe, phương tiện, người vào địa bàn mua bán lúa cần phải được tạo điều kiện tối đa trên cơ sở đảm bảo phòng dịch. Đề nghị ngành GTVT có phương án hỗ trợ việc lưu thông, ngành y tế cân đối, tổ chức các điểm test nhanh cho các xe thu mua. Không nên máy móc trong quản lý dịch bệnh mà gây khó khăn cho bà con nông dân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, các ngành, đơn vị, địa phương liên quan cần nhận diện phòng chống thiên tai trong điều kiện mới, từ đó lên phương án kỹ lưỡng, kiểm tra các kịch bản phòng chống thiên tai đến từng công trình, từng vùng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19; tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân.
 
Vụ sản xuất nông nghiệp đông xuân đang đến gần, trong điều kiện diễn biến dịch bệnh và thiên tai đang rất khó lường, đòi hỏi các cấp chính quyền kết hợp cùng ban, ngành hướng dẫn người nông dân thực hiện việc gieo trồng, sản xuất sao cho kịp thời vụ, phát huy hiệu quả, năng suất cao. Nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm dịch bệnh không lây lan trong quá trình lao động và sản xuất.
                                                                                                                                     Nguồn: KTNT