Cây chanh Nam Đàn - ít thiếu, nhiều thừa
05/10/21 03:24PM
Mặc dù năng suất chanh năm nay cao hơn so với các năm, nhưng bà con Khánh Sơn (Nam Đàn, Nghệ An) vẫn không mặn mà vì rớt giá và do ảnh hưởng dịch covid-19.

Về Khánh Sơn thời điểm này, đang bước vào vụ thu hoạch chanh chính vụ. Theo chia sẻ của bà con, chanh năm nay năng suất cao hơn năm ngoái nhiều, nhưng giá chỉ bằng một phần ba so với năm ngoái.

20211001_141816.jpg
Toàn huyện Nam Đàn có khoảng 500 đến 600 ha trồng chanh.

Hiện, Nam Đàn có khoảng 500 đến 600 ha trồng chanh. Riêng xã Khánh Sơn, diện tích là 53 ha, vụ chính thu hoạch 10 tấn/ha.

Bà Phạm Thị Thúy, xóm 2 (xã Khánh Sơn) cho biết: “Gia đình tôi trồng 10ha chanh. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm rất khó, bà cho biết, nếu như đầu mùa chanh bán được 12.000 đồng/kg, thì tại thời điểm này giá bán tại vườn chỉ 3.000 đồng/kg, giá chanh rẻ như cho nhưng vẫn khó tiêu thụ, so với các năm thì mất giá”.

20211001_104431.jpg
Cây chanh là cây để phủ xanh đất trống đồi trọc của huyện.

Cũng theo bà Thúy, nguyên nhân khiến giá chanh giảm mạnh trong năm nay do ảnh hưởng dịch covid-19.

Chanh được trồng nhiều ở các xã Nam Kim, Thượng Tân Lộc, Khánh Sơn. Sản lượng sau khi thu hoạch của các xã trồng chanh tương đối lớn, tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên các vườn chanh gặp khó trong vấn đề tiêu thụ.

20211001_104413.jpg
Dù cho năng suất cao nhưng lại "mất giá".

Trong những năm gần đây, cây chanh không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho các hộ nông dân Khánh Sơn, Nam Kim… mà là cây để phủ xanh đất trống đồi trọc của huyện.

Với đặc điểm chịu được thời tiết khắc nghiệt, chịu hạn hán tốt, quả chanh có nhiều tinh dầu, mọng nước, thơm là đặc trưng nổi bật. Tuy nhiên, diện tích trồng tập trung với quy mô lớn chưa nhiều, chủ yếu các hộ đang trồng tại vườn nhà với quy mô nhỏ là chính.

20211001_102256.jpg
Tại thời điểm này giá bán tại vườn chỉ 3.000đ/kg

Bà Thúy cho biết thêm, các hộ dân tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ hoặc thông qua các thương lái, vì vậy, tình trạng được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa diễn ra hàng năm, và phụ thuộc vào thương lái thu mua là chính.

Và việc người sản xuất phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm gia tăng đột biến, tự ý bán phá giá cho các thương lái khác khi giá bán cao hơn thường xuyên xảy ra… Đây là nguyên nhân dẫn đến hậu quả là tình trạng “được mùa mất giá, ít thiếu nhiều thừa”, hiệu quả kinh tế không cao, chưa tạo được tính bền vững trong sản xuất chanh.

20211004_170314.jpg
Do dịch Covid-19 nên các vườn chanh gặp khó trong vấn đề tiêu thụ.

Vì vậy, để giải quyết được tình trạng trên thì giải pháp tìm kiếm thị trường là cần thiết và cấp bách. 

 Nguồn: KTNT