Đăng ký nhãn hiệu tập thể Vải thiều Ea Kar
26/05/23 04:42AM
Sau 20 năm đưa vải thiều lên vùng đất mới ở Tây Nguyên, nông dân huyện Ea Kar (Đắk Lắk) vui mừng vì hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể vải thiều Ea Kar đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận.

Vải thiều Ea Kar đăng ký nhãn hiệu tập thể - Ảnh 1.

Đắk Lắk, nhất là tại huyện Ea Kar đã tạo thành vùng trồng tập trung và đang được đăng ký nhãn hiệu tập thể vải thiều Ea Kar - Ảnh: MINH PHƯƠNG

Ngày 25-5, ông Trần Văn Đông - trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar (Đắk Lắk) - cho biết hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể "vải thiều Ea Kar" đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp nhận, chờ xét duyệt.

Vải Đắk Lắk xuất hiện nhiều nơi

Tin này đã đến khi nông dân trong huyện vừa trải qua một mùa "vải ngọt" khiến niềm vui nhân đôi. Năm 2023 là một vụ mùa bội thu đối với bà con nông dân trồng vải tại huyện Ea Kar, với 700ha được thu hoạch khoảng 10.000 tấn, giá bình quân bán tại vườn trung bình là 30.000 đồng/kg đã được tiêu thụ hết.

Anh Dương Văn Bảo có gần 2ha đất trồng vải thiều tại thôn 2, xã Ea Sar, Ea Kar đang thu hoạch đợt cuối cùng của năm nay. Vườn vải gia đình anh năm nay trĩu quả, mọng đỏ trên cành vô cùng bắt mắt.

"Kỹ thuật trồng và chăm sóc vải của người dân nơi đây cũng đã trải qua 20 năm với bao chua xót, ngọt bùi. Địa phương lập nhãn hiệu tập thể, để thương hiệu vải thiều Ea Kar tiến xa hơn trên thị trường khiến nông dân chúng tôi càng thêm phấn chấn", anh Bảo tự tin.

Theo trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar, cây vải bén duyên với người nông dân ở Đắk Lắk đã khá lâu, nhưng đến năm 2013 mới được phát triển, nhân rộng. Vải thiều khá phù hợp với thổ nhưỡng và thời tiết nên chín sớm hơn vụ thu hoạch ở các tỉnh phía Bắc khoảng 20-30 ngày.

"Với ưu thế đó, cộng với chất lượng đảm bảo, chua ngọt hợp vị nên đã đến nhiều siêu thị, chợ đầu mối trên cả nước. Đặc biệt, vải mang thương hiệu Ea Kar, Đắk Lắk đã được xuất khẩu đi thị trường ngoài nước như Trung Quốc, Nhật Bản", ông Đông cho biết.

Phát triển bền vững vải thiều Ea Kar

Vải thiều Ea Kar đăng ký nhãn hiệu tập thể - Ảnh 3.

Vải thiều Ea Kar chín sớm, chua nhẹ, ngọt dịu nên tiêu thụ rất tốt - Ảnh: MINH PHƯƠNG

Ông Đông nói với mong muốn "định danh" tên tuổi, huyện cũng đã lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho vải thiều Ea Kar. Hồ sơ đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chấp nhận đơn hợp lệ và đang chờ xét duyệt.

"Đây là bước tiến rất tốt để địa phương tiếp tục mở rộng mô hình trồng vải chất lượng cao, giải quyết được những vấn đề sản xuất manh mún, chưa áp dụng được khoa học kỹ thuật, nguồn nước…", ông Đông hy vọng.

Theo ông Đông, trên địa bàn huyện có một hợp tác xã nông nghiệp và hai tổ hợp tác chuyên sản xuất vải thiều. Trong tổng số 1.200ha vải thiều, địa phương đã hình thành được vùng sản xuất theo quy trình VietGAP và được cấp chứng nhận với quy mô 78,5ha, gắn bốn mã số vùng trồng với diện tích 48,5ha.

Huyện cũng đang hướng đến mục tiêu phát triển 2.000ha, gắn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người trồng vải. Ngoài phát triển nhãn hiệu tập thể, huyện sẽ xây dựng tem, nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Qua đó tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm.

"Hiện nay nhu cầu thị trường lớn, không lo việc tồn đọng nhưng địa phương tiếp tục vận động bà con nâng cao chất lượng, sản xuất bền vững" - ông Đông thông tin.

                                                                                                                      Theo: Tuoitre