Hiệp định CPTPP cơ hội xuất khẩu nông, thuỷ sản chủ lực ĐBSCL
22/03/19 10:02AM
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Hiệp định CPTPP đã mở ra cơ hội lớn cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có các mặt hàng nông sản như lúa gạo, trái cây, thuỷ sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Sáng 21/3, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị liên ngành triển khai Hiệp định CPTPP, phát triển thị trường các nhóm ngành hàng. Tham gia hội nghị có 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và đại diện hàng trăm doanh nghiệp.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hứa hẹn mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho nhiều ngành hàng. Ký kết CPTPP là bước tiến mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đa phương hoá các quan hệ kinh tế, thương mại, tránh được những rủi ro do phụ thuộc vào một vài thị trường lớn. 

Trong CPTPP, mức độ cam kết mở cửa mà các đối tác dành cho Việt Nam sâu hơn và nhanh hơn so với những cam kết của Việt Nam với đối tác. CPTPP mang lại cho Việt Nam thiếp lập thương mại tự do với nhiều đối tác xa hơn; đồng thời là động lực để doanh nghiệp Việt nam mạnh dạn khai phá các thị trường mới. 

Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: “CPTPP đã mở ra cơ hội lớn cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có các mặt hàng nông sản như lúa gạo, trái cây, thuỷ sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá sang thị trường các nước thành viên CPTPP được hưởng những cam kết cắt giảm thuế quan ở mức cao như: Australia là trên 93% số dòng thuế, tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này; Canada cam kết cắt giảm thuế ngay đến 94,9% số dòng thuế; Nhật Bản cam kết cắt giảm thuế tốt hơn nhiều so với trong Hiệp định FTA song phương giữa hai nước…”.

Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn. Khi được ký kết, đưa vào thực thi, các FTA sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hoá của Việt Nam. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu được coi là chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh. Đây cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp Việt Nam cọ xát hơn nữa với thế giới bên ngoài, khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. 

Hiệp định CPTPP cơ hội xuất khẩu nông, thuỷ sản chủ lực ĐBSCL

Hiệp định CPTPP mở ra cơ hội xuất khẩu lớn của Việt Nam đối với các nước thành viên, trong đó có xuất khẩu gạo. 

Trong tám năm qua (từ 2011 – 2018), thị trường xuất khẩu đã được mở rộng cả về quy mô và cơ cấu thị trường, tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch từ 96,91 tỷ đô la (USD) vào năm 2011 lên 243,48 tỷ đô la năm 2018. 

Tuy nhiên, CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thực thi hiệp định, nhất là sức ép cạnh tranh, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của các nước nhập khẩu, trong đó có các đối tác FTA ngày càng gia tăng.

Quốc Trung 

Theo Đại đoàn kết