Huyện Sơn Động phấn đấu tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt từ 3-5%/năm
18/01/23 10:31AM
Huyện Sơn Động (Bắc Giang) đặt ra mục tiêu đến năm 2030 giá trị sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 3-5%; trong đó, cơ cấu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 12,5%.

Cơ cấu ngành Nông nghiệp đạt 12,5%

Đó là một trong những mục tiêu chính mà Huyện ủy Sơn Động đặt ra nhằm triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Huyện Sơn Động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng thâm canh cây Ba kích tím dưới tán rừng.

Trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng, địa phương, tổ chức các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo,  huyện Sơn Động đặt ra mục tiêu đến năm 2030 giá trị sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân từ 3-5%; trong đó, cơ cấu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 12,5%. Huyện có khoảng 18 sản phẩm OCOP và khoảng 90% sản phẩm OCOP thuộc doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia chương trình OCOP.

Huyện Sơn Động cũng đưa ra các mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân dưới 10%, tỷ lệ dân số nông thôn 90%, thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt 37 triệu/người/năm. Phấn đấu đến năm 2030 toàn huyện có trên 80% các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Khu trung tâm có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường. Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt 98%. Hạ tầng đầu tư phát triển cơ bản theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Triển khai nhiều giải pháp

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Huyện ủy Sơn Động tiếp tục tập trung chỉ đạo ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

Thực hiện quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phát huy tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, tương thân, tương ái; đẩy mạnh phong trào nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất kinh doanh, cùng nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng dân cư vững mạnh, tham gia quản lý xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đặc biệt, cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, giữ ổn định diện tích đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực.

Đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ… đáp ứng nhu cầu của thị trường và phục vụ du lịch. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững. Đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ và xây dựng nhãn hiệu tập thể cây dược liệu bản địa có lợi thế.

Cùng với đó, đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới phù hợp với trình độ phát triển, văn hóa và điều kiện cụ thể của từng địa phương, đảm bảo thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, tránh dàn trải, lãng phí. Hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục duy trì, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm bền vững.

                                                                                                                   Theo: KTNT