Miền núi Đông Giang làm giàu từ quả ớt Ariêu “tí hon”
26/04/22 03:15PM
Sản phẩm ớt Ariêu ở huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam được nhiều người biết đến vì có mùi vị rất riêng của núi rừng.

Cây ớt Ariêu trở thành cây trồng chủ lực, giúp đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi Đông Giang cải thiện đời sống, nhiều hộ thoát nghèo.

ot-tieu.jpg
 Đặc sản ớt Ariêu muối của người dân xã Mà Cooih.

Ớt Ariêu là cây đặc sản bản địa của người dân huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, có giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với cây ngô, sắn. Quả ớt Ariêu bé tí nhưng có hương vị đặc trưng, độ cay nồng vừa phải. Dù cho thu nhập cao nhưng cây ớt này lại ít tốn công và chi phí chăm sóc. Hiện nay, giá ớt bán từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Nhờ tham gia vào Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Mà Cooih, bà Bnướch Thị Dách, người Cơ Tu, ở xã Mà Cooih, huyện Đông Giang được hướng dẫn cách trồng, chăm sóc ớt cho năng suất cao và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Từ hộ khó khăn, nay gia đình bà Bnướch Thị Dách đã thoát nghèo.

“Chính quyền hỗ trợ trồng ớt Ariêu để cải thiện đời sống của dân tộc ở đây. Hỗ trợ về kỹ thuật về giống cho các hộ để phát triển cho đồng bào Cơ Tu vươn lên thoát nghèo. Ớt này giá rất cao. Đất ở đây hợp với trồng ớt Ariêu” - bà Bnướch Thị Dách chia sẻ.

Xã Mà Cooih, huyện Đông Giang có gần 150 hộ là đồng bào Cơ Tu tham gia trồng ớt Ariêu. Nhằm bảo tồn và phát triển cây ớt Ariêu, hàng năm, địa phương này hỗ trợ kỹ thuật gieo, ươm cây giống và thu hoạch cho bà con. Mô hình đem lại hiệu quả cao nên địa phương khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng ớt.

Hiện nay, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Mà Cooih tổ chức canh tác, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, thu hút 40 hộ tham gia trồng gần 10 ha cây ớt Ariêu. Các hộ trồng ớt áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt để tránh lãng phí nước, tiết kiệm nhân công và khắc phục tình trạng ớt ra trái ít vào mùa nắng nóng, đặc biệt không sử dụng thuốc trừ sâu mà chỉ bón phân chuồng. 

Ông ARất Bói, Chủ tịch UBND xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, trước đây, nguồn thu nhâp chính của đồng bào Cơ Tu chủ yếu dựa vào trồng cây sắn, ngô, chuối… Bây giờ nhờ trồng ớt Ariêu, mỗi năm thu hoạch từ 3 - 4 vụ, người dân thu lãi ít nhất 30 triệu đồng, có hộ thu về 60 triệu đồng.

“Hiện nay, sản phẩm này đã xếp hạng OCOP 3 sao của tỉnh, thời gian đến tiếp tục nâng lên 4 sao. Thời gian vừa qua, hợp tác xã và các xã viên cùng tham gia và ớt phát triển tốt. Mỗi kg ớt Ariêu bán 300.000 đồng và thời gian Tết tăng lên cao. Từ khi trồng ớt, người dân và các thành viên trong hợp tác xã đời sống nâng lên. Mong muốn giữ được thương hiệu ớt Ariêu này, cần được bao tiêu sản phẩm tốt hơn vì người dân vẫn trồng theo kiểu truyền thống” - ông ARất Bói nói.

Ớt Ariêu đã được đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền và trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam. Huyện Đông Giang đã có đề án quy hoạch lại vùng phát triển ớt Ariêu tập trung 10 héc ta để đảm bảo sản xuất hàng hoá. Sắp tới, khi Khu du lịch cổng trời Đông Giang đưa vào hoạt động, ớt Ariêu sẽ là sản phẩm đặc trưng của huyện đưa vào để giới thiệu đến du khách.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, từ chỗ mọc tự nhiên dưới tán rừng, đến nay, đồng bào các huyện miền núi Quảng Nam đã mở rộng diện tích trồng cây ớt Ariêu. Các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cùng với các địa phương đồng hành hỗ trợ vốn, giúp bà con mở rộng quy mô sản xuất, kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp giúp bao tiêu sản phẩm cho người dân.

“Hiện nay, chúng tôi có nhiều hỗ trợ cho việc phát triển sản phẩm của đồng bào miền núi. Chúng tôi chỉ đạo huyện tham gia những chương trình về OCOP, chương trình về thúc đẩy sinh kế người dân. Chỉ đạo Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh ký kết với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng chọn ớt Ariêu là một trong những sản phẩm để đem đi giới thiệu và mở rộng thị trường. Đồng thời, hỗ trợ cho bà con bán sản phẩm ớt Ariêu đem đến người dân cả nước” - ông Hồ Quang Bửu nói./.

Theo:VOV