Mô hình nuôi cá kết hợp trong ruộng lúa: 'Nhất cử lưỡng tiện'
31/05/22 10:23AM
Nuôi cá trong ruộng lúa tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên từ ruộng lúa, vừa góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa hạn chế được dịch bệnh cho lúa và cá.

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình vừa phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình trồng lúa chất lượng cao kết hợp nuôi cá tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh.

Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá tại xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Ảnh: Trọng Hiểu.

Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá tại xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Ảnh: Trọng Hiểu.

Mô hình được nuôi trồng thử nghiệm trên diện tích 2,5 ha của hộ gia đình anh Nguyễn Xuân Hải ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh với giống lúa ST25 và cá rô đồng lai. Thời gian thực hiện mô hình 5 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 2/2022. Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống lúa và cá, thức ăn, thuốc, phân bón và tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc lúa - cá.

Thạc sỹ Hồ Thị Thủy, Phó phòng Chuyển giao kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình) cho biết: Qua kiểm tra, theo dõi và đánh giá cho thấy, giống lúa ST25 có tỷ lệ nảy mầm cao trên 97%, cây cao, cứng, có khả năng chống ngã đỗ, thời gian sinh trưởng khoảng 120 ngày, năng suất từ 55 - 60 tạ/ ha. Đối với cá rô đồng có tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống ước đạt 85 %, sau 3 tháng nuôi kết hợp, cá đạt trọng lượng trung bình từ 15 - 20 con/kg, năng suất ước đạt trên 1 tấn/ha.

Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình, đây là mô hình có nhiều ưu điểm, giảm được chi phí sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên từ ruộng lúa, góp phần hạn chế ô nhiểm môi trường, dịch bệnh cho cây lúa và cá. Vì vậy, Trung tâm đề nghị cơ quan chuyên môn nhân rộng mô hình ở các địa phương.