Muốn xuất khẩu chuối bền vững: Cần thay đổi tư duy sản xuất và quy trình canh tác
17/11/22 10:27AM
Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về việc xuất khẩu chính ngạch chuối tươi sang thị trường nước này.

 Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam có diện tích trồng chuối lớn, chỉ đứng sau Philippines ở khu vực Đông Nam Á. Xuất khẩu chuối cũng là thế mạnh của nước ta. Tuy nhiên, để ngành hàng này đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho cả người trồng chuối và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cần thay đổi cả phương thức sản xuất, quy trình canh tác, đóng gói, nhất là tư duy thị trường.

Cơ hội

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Nghị định thư xuất khẩu chuối sang Trung Quốc được ký kết sẽ đảm bảo việc xuất khẩu chuối chính thức sang Trung Quốc ổn định, bền vững; đảm bảo đầu ra và giá cả ổn định, từ đó chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, mang lợi ích cho người trồng chuối.

Đặc biệt, thực hiện tốt nội dung của Nghị định thư sẽ giảm tỷ lệ kiểm tra kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, thông quan nhanh chóng, tạo thuận lợi cho nhà xuất khẩu, góp phần giảm ùn tắc ở cửa khẩu.

Như vậy, nếu tận dụng tốt cơ hội này, quả chuối sẽ là mặt hàng chủ lực đem lại nguồn kinh tế lớn cho ngành Nông nghiệp. Việc chuối được xuất khẩu chính ngạch tạo thêm dư địa tăng trưởng cho một ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, góp phần cải thiện thu nhập của hàng trăm ngàn bà con nông dân.

Mô hình trồng chuối của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (Bình Dương).

Có thể nói, đây là tương lai sáng đã mở ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu loại quả này, bởi vì, diện tích trồng chuối tại quốc gia tỷ dân có xu hướng giảm, cộng thêm chi phí sản xuất ngày càng cao.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, cả nước hiện có hơn 130.000 ha chuối, với sản lượng 2,1 triệu tấn/năm; trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long có 35.278,9 ha, sản lượng 478.877,3 tấn. Chuối là loại trái cây cho thu hoạch quanh năm và đã trở thành sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của ngành rau quả nước ta.

Thời gian gần đây, xuất khẩu chuối đang tăng trưởng mạnh ở thị trường Trung Quốc. Khối lượng xuất khẩu chuối sang Trung Quốc thực hiện kiểm dịch thực vật là trên 430.000 tấn năm 2020, 574.000 tấn năm 2021 và 591.000 tấn trong 9 tháng năm 2022.

Cụ thể, trong 3 quý năm nay, chuối Việt Nam chiếm 43% tổng sản lượng chuối nhập khẩu của Trung Quốc, vượt qua Philippines (28%), Campuchia và Ecuador. Trung bình, giá chuối xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc dao động khoảng 0,5 - 0,6 USD/kg.

Theo đó, 3 quý đầu năm 2022 đạt gần 390 triệu USD, tăng gần 63% so với cùng ký 2021. Với kết quả này, xuất khẩu chuối đã vượt qua xoài để thành loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai, chỉ sau thanh long.

Ở nước ta, chuối chiếm 19% tổng diện tích cây ăn trái hàng năm, với những lợi thế cũng như hiệu quả đem lại, cây chuối đã được ngành Nông nghiệp chọn vào nhóm cây ăn quả chủ lực. Nhiều tỉnh có diện tích chuối lớn (trên 3.000ha), như: Phú Thọ, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Đồng Nai, Trà Vinh, Tiền Giang...

Tại Hưng Yên, tận dụng lợi thế của diện tích đất bãi màu mỡ, những năm qua, thành phố Hưng Yên đã phát triển được vùng trồng chuối với diện tích lớn, sản lượng cao, đưa chuối trở thành cây trồng hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.

Diện tích trồng chuối toàn thành phố hiện nay khoảng 560ha. Nông dân thành phố Hưng Yên đã thu hoạch được gần 20.000 tấn chuối quả tươi, tăng khoảng 15% so với cùng thời điểm năm 2021. Cây chuối được trồng theo hướng hàng hóa tại các xã vùng bãi như: Phú Cường, Hùng Cường, Quảng Châu và phường Lam Sơn.

Nhờ cây chuối, nhiều nông dân của các xã vùng bãi ở thành phố Hưng Yên đã vươn lên phát triển kinh tế bền vững. Mỗi sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) trồng chuối, nông dân có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm. Bà Vũ Thị Hoa ở phường Lam Sơn cho biết: “Trước đây, hơn 1 mẫu canh tác của gia đình trồng các loại rau màu theo mùa vụ, vất vả quanh năm nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Từ khi trồng chuối, tôi chỉ cần tập trung chăm sóc, đến mùa thu hoạch có thương lái về thu mua, không phải lo vận chuyển nông sản đi bán như với các loại rau màu khác. Từ năm nay, tôi thuê thầu thêm hơn 1 mẫu nữa để trồng chuối, tăng hiệu quả kinh tế”.

Hiện, sản phẩm chuối quả tươi của nông dân thành phố Hưng Yên đã được tiêu thụ rộng rãi cả trong và ngoài tỉnh, đồng thời, được thương lái thu mua để xuất khẩu.

Để thách thức thành cơ hội

Sau sầu riêng, cánh cửa thị trường xuất khẩu rau quả quan trọng bậc nhất của Việt Nam là Trung Quốc đang mở ra với trái chuối. Tuy nhiên, cũng giống như sầu riêng, phía bạn đã đưa ra những yêu cầu rất chặt chẽ quy định từ quy trình trồng đến đóng gói… 

Theo nghị định thư được ký kết giữa hai bên, tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký, được Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); phải đảm bảo giám sát vườn trồng và quy trình tại cơ sở đóng gói. Cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng đã được cấp mã số; phải tiến hành kiểm dịch thực vật lấy mẫu 2% và phải phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc khi nhập khẩu vào Trung Quốc.

Các lô chuối xuất khẩu không được nhiễm 5 loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm. Tại cửa khẩu nhập của Trung Quốc, kiểm tra theo quy định tại Nghị định thư. Chuối xuất khẩu phải là chuối chưa chín, được thu hoạch trong vòng 10-16 tuần sau khi ra hoa,  không bị nứt vỏ, có nguồn gốc từ các vùng trồng chuối của Việt Nam.

Các lô hàng chuối tươi Việt Nam chỉ được xuất khẩu qua các cửa khẩu mà cơ quan hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây.

Như vậy, sẽ không quá nếu nói việc ký Nghị định thư là “đòn bẩy” để tiến tới việc chuyên nghiệp hóa ngành sản xuất chuối tươi của Việt Nam và đây cũng là căn cứ pháp lý quan trọng giúp cho người sản xuất yên tâm hướng đến đầu tư phát triển bền vững với quy mô lớn hơn trong thời gian tới.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình ở xã Thanh Bình (Trảng Bom - Đồng Nai), đơn vị đã thực hiện tốt việc làm mã số vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cho biết, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam về mặt hàng rau quả, trái cây tươi. Trong giai đoạn xuất khẩu khó khăn, nhất là do chi phí vận chuyển tăng cao, thị trường sát sườn này càng quan trọng. Tuy nhiên, đây không còn là thị trường dễ tính vì đã áp dụng chặt chẽ quy định mới từ quy trình trồng đến đóng gói, đòi hỏi cả người nông dân lẫn doanh nghiệp xuất khẩu phải thay đổi về tư duy sản xuất.

“Dù trái chuối được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng Nghị định thư về xuất khẩu chuối giữa Việt Nam - Trung Quốc mới được ký kết đã hỗ trợ thêm rất lớn cho toàn bộ chuỗi ngành hàng. Từ đây, các quy định về canh tác, đóng gói, xuất khẩu đều rõ ràng, giúp nông dân, HTX và doanh nghiệp thuận lợi hơn khi thực hiện”, ông Hùng phân tích.

Đánh giá chung về câu chuyện xuất khẩu chuối tươi vào thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chuối cũng như các loại nông sản khác cần phải chuẩn hóa thị trường xuất khẩu, theo đó, phải đáp ứng được những chuẩn mực của thị trường xuất khẩu chuối theo Nghị định thư vừa ký kết. Thực hiện được điều này sẽ mở ra cơ hội, thay vì đi buôn thì chuyển sang hình thức hợp tác để xuất khẩu, có sự kiểm soát của cả 2 bên.

Điều này có lợi là khi chúng ta xuất khẩu quả chuối lên cửa khẩu sẽ giảm được nhiều thời gian thông quan và giảm về tần suất kiểm tra; như vậy sẽ tránh được tình trạng ùn ứ nông sản, trong đó có chuối, vừa có lợi cho nhà xuất khẩu của chúng ta, qua đó có lợi cho bà con nông dân.

“Với tư duy chuẩn hóa thị trường, chuẩn hóa ngành hàng chuối, chúng ta sẽ tiếp cận được thêm những thị trường khác, bên cạnh đó, thay đổi tư duy từ buôn bán thương mại của doanh nghiệp sang tư duy xuất khẩu cho cả ngành hàng chuối tươi và khi chuẩn hóa được việc xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc thì thương hiệu chuối của Việt Nam sẽ được nâng lên và khi đó thu nhập của bà con nông dân, những người trồng chuối sẽ được cải thiện, quan trọng hơn là là giảm được rủi ro về thị trường”, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.

Từ thực tế trên, thời gian tới, thách thức lớn nhất với doanh nghiệp và nông dân là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc đặt ra. Cụ thể, người nông dân, HTX, doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì.

Chuyên nghiệp hóa ngành hàng

Để hình thành ngành hàng chuối, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các nhà vườn phải liên kết lại trong các tổ hợp tác, hợp tác xã, qua đó các cơ quan chuyên môn của Bộ sẽ hướng dẫn đầy đủ những tiêu chuẩn kỹ thuật để bà con thực hiện. Khi chúng ta liên kết lại thì các cơ sở đóng gói, các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận những vùng nguyên liệu đủ lớn, từ đó chuẩn hóa vùng nguyên liệu và bà con nông dân sẽ cùng tham gia vào tổ chức lại ngành hàng sản xuất chuối của mình.

Để xuất khẩu quả chuối tươi bền vững và đảm bảo ổn định số lượng các đơn hàng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tăng cường truyền thông những tiêu chuẩn kỹ thuật đến các nhà vườn, người nông dân và HTX, kể cả doanh nghiệp xuất khẩu, các cơ sở đóng gói, để nắm bắt và tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo tinh thần của Nghị định thư đã ký.

Đồng thời, Bộ sẽ có những chương trình truyền thông đến từng nhà vườn, từng vùng nguyên liệu. Riêng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích chuối ở đây không phải lớn so với diện tích chuối của cả nước như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đòi hỏi nhà vườn phải liên kết lại trong các tổ hợp tác, HTX, qua đó các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ hướng dẫn đầy đủ những tiêu chuẩn kỹ thuật để bà con thực hiện.

Để đưa chuối trở thành ngành hàng có giá trị kinh tế, không chỉ ở ĐBSCL mà còn trên phạm vi toàn quốc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý người nông dân cần đáp ứng những yêu cầu của nghị định thư vừa ký. Trong đó, tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký với Bộ Nông nghiệp và PTNT và được cả Bộ lẫn Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Đồng thời, vùng trồng cần xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo quản lý sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm không nhiễm trên chuối xuất khẩu, người trồng chuối cần đáp ứng yêu cầu của Nghị định thư. 

Đối với chính quyền địa phương, phải có trách nhiệm hướng dẫn người trồng chuối thực hiện theo quy định tại Nghị định thư đảm bảo xuất khẩu chuối ổn định, hướng dẫn người nông dân trồng chuối áp dụng VietGAP.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tổ chức nhiều tổ khuyến nông cộng đồng ở cấp cơ sở, theo hướng “cầm tay chỉ việc”, giúp người nông dân có nguồn thông tin chính thống. Đây cũng là cơ sở để bà con tăng cường khả năng tiếp xúc, kết nối với doanh nghiệp, tạo tiền đề cho việc tái cơ cấu, chuyển đổi vùng nguyên liệu theo hướng xanh, bền vững, đúng với xu hướng tiêu dùng của thế giới. 

“Bộ Nông nghiệp và PTNT cam kết bố trí nguồn lực và hướng dẫn đầy đủ, chi tiết những quy chuẩn thực hiện cho vùng trồng. Chúng tôi sẽ lồng ghép, chia sẻ thêm nhiều thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại cho người dân, bên cạnh phổ biến các vấn đề kỹ thuật”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Đưa ra khuyến cáo cho doanh nghiệp, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng, về phía doanh nghiệp, Cục đề nghị tái cơ cấu để bắt kịp xu hướng tiêu dùng xanh, thương mại xanh và tăng trưởng xanh - vốn đang dần trở nên phổ biến. 

“Các nhà sản xuất nông nghiệp vừa phải nâng cao hiệu quả hoạt động, vừa phải tham gia sâu hơn vào những chuỗi giá trị cao trên toàn cầu”, ông Phú nhấn mạnh.

Để đồng hành cùng người dân, qua đó phát triển hiệu quả, bền vững cây chuối, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp - Cây ăn quả (Cục Trồng trọt), cho biết, tới đây, Cục tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, tăng cường sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh (nhất là bệnh vàng lá Panama).

Bên cạnh đó, phục tráng giống, chuyển giao các giống chuối đặc sản gắn với chương trình phát triển sản phẩm OCOP ở các địa phương. Áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiến tiến, hữu cơ, an toàn trong sản xuất; chú trọng kỹ thuật bao buồng, trồng xen, chống đổ và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất chuối tập trung.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, để có ngành hàng phát triển bền vững, trước hết công tác quy hoạch vùng sản xuất phải gắn với thị trường dài hạn trong biến đổi khí hậu, cùng với đó là quy hoạch hạ tầng để giảm chi phí vận chuyển, cả chi phí logistics; thứ hai, công nghệ sinh học, nhất là công nghệ giống, cần được đầu tư nhiều hơn; phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi, đề cao chất lượng cùng với nâng cao năng suất để hạ giá thành; thứ ba, sản phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc; thứ tư, đẩy mạnh công nghiệp chế biến, đa dạng sản phẩm chế biến sâu; thứ năm, đẩy mạnh liên kết,...

Tiếp ngay sau Nghị định thư về việc đồng ý để quả chuối tươi được XK chính ngạch, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa ký Nghị định thư về việc xuất khẩu khoai lang và tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn để chúng ta tổ chức lại ngành hàng với quy mô lớn thay cho sản xuất nhỏ lẻ

 

Theo: KTNT