Nâng giá trị thương hiệu cây trồng mũi nhọn theo hướng VietGAP
22/09/22 10:51AM
Cam sành là cây trồng mũi nhọn phát triển kinh tế của huyện Quang Bình (Hà Giang). Hiện nay, người trồng cam trên địa bàn ý thức rất rõ giá trị thương hiệu của cây cam và chuyển đổi hướng canh tác theo quy trình VietGAP.

Với mục tiêu phát triển bền vững cây cam sành, Quang Bình đã triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân trồng cam theo Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh.

Chú trọng trồng theo quy trình VietGAP

Người dân xã Vĩ Thượng có nghề trồng cam lâu đời. Niên vụ 2021 - 2022, với trên 315 ha trồng cam, tổng sản lượng đạt 2.817 tấn, giá trị kinh tế đạt hơn 30 tỷ đồng. Từ cây cam, đời sống của người dân trong xã ngày càng đi lên, có điều kiện làm nhà ở khang trang, mua sắm thiết bị sinh hoạt, sản xuất hiện đại. Khẳng định cam là cây làm giàu, các hộ dân đã chú trọng trồng theo quy trình VietGAP, với diện tích đạt 150ha. Cùng với đó, trên địa bàn xã có 5 hộ được vay vốn theo Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh với tổng số tiền 462 triệu đồng để đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cam sành.

 

vườn-cam-sành-được-trồng-chăm-sóc-theo-tiêu-chuẩn-vietgap-của-gia-đình-chị-tô-thị-chiên-thôn-thượng-xã-vĩ-thượng.jpg
Vườn cam Sành được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình chị Tô Thị Chiên, thôn Thượng, xã Vĩ Thượng.

 

Anh Hà Văn Minh (thôn Thượng, xã Vĩ Thượng) cho hay: “Với 3ha cam, sản lượng trung bình mỗi năm đạt 20 - 30 tấn, gia đình thu về trên 100 triệu đồng/năm. Vụ vừa qua, cam theo tiêu chuẩn VietGAP có giá bán 22.000 - 25.000 đồng/kg, cao nhất trong 5 năm gần đây, thương lái từ khắp mọi miền về tận nơi thu mua. Đầu năm 2022, tôi được vay 120 triệu đồng theo Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh để tiếp tục phục hồi, cải tạo, duy trì chăm sóc vườn cam sành theo hướng VietGAP”.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Quang Bình có 56 hộ được vay vốn phát triển cây cam sành theo Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh Hà Giang, với số tiền giải ngân trên 6,8 tỷ đồng, diện tích đạt 115 ha. Sau khi được hỗ trợ nguồn vốn, các hộ tập trung chăm sóc vườn cam, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, mẫu mã quả đẹp, đồng đều, độ ngọt đạt 10,2 - 12%. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, việc trồng cam theo hướng VietGAP còn góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất, cân bằng sinh thái, làm cho đất, nước, không khí không bị ô nhiễm.

Đầu tư phát triển bền vững

Niên vụ 2022 - 2023, Quang Bình lựa chọn HTX nông nghiệp, dịch vụ xã Hương Sơn, HTX Xuân Khu xã Yên Hà và HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ vi sinh xã Tiên Yên lấy sản phẩm làm đầu mối cho công tác xúc tiến, quảng bá. Đồng thời, khảo sát, kết nối và dự kiến lấy sản phẩm cam của hệ thống vườn mẫu để hỗ trợ giá, kích cầu cho khâu tiêu thụ, giới thiệu và bán hàng trên hệ thống truyền thông số như: Cụm truyền thanh cơ sở, website https://ocop.hagiang.gov.vn, Facebook, Zalo, Youtube.

Ngoài việc thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh Hà Giang, UBND huyện cũng đã ban hành Kế hoạch số 51 về đột phá phát triển cây có múi theo hướng sản xuất hàng hóa, giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các hộ được hỗ trợ vốn vay, tập trung đầu tư phát triển bền vững cây cam sành và tiếp tục xây dựng vườn cam mẫu, nhằm hoàn thiện quy trình phục tráng lại vườn cam suy giảm năng suất, chất lượng. Đối với những diện tích cam bị vàng lá, khô đầu cành, phát triển kém, chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

                                                                                                   Theo: KTNT