Nhiều giải pháp phát triển ngành mía trong tình hình mới
17/07/20 09:53AM
Trong Chỉ thị số 28/CT-TTg, ngày 14/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới.
img_0716.jpg

 Chỉ thị số 28/CT-TTg đưa ra nhiều giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới.

Nhiều thách thức

Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày14/7/2020 chỉ rõ, qua 25 năm xây dựng và thực hiện chương trình “Một triệu tấn đường”, ngành mía đường Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo việc làm cho hơn 35 vạn hộ nông dân, chủ động được nguồn đường sản xuất trong nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế để ngành mía đường phát triển.

Tuy nhiên, dù đã nhiều cố gắng, ngành mía đường vẫn còn đối diện với những thách thức như: tổ chức sản xuất trong nước chưa theo kịp yêu cầu của thị trường, giá thành sản xuất đường cao nên khó cạnh tranh với các nước trong khu vực, nhất là khi giá đường xuống thấp, nhiều nhà máy không đảm bảo được giá mua mía hợp lý cho nông dân.

Việc cơ cấu lại các nhà máy đường còn chậm, ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất chưa đạt hiệu quả. Tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn gia tăng, diện tích trồng mía bị thu hẹp. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho tiêu thụ đường mía sản xuất trong nước.

Trong thời gian tới, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành mía đường là chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế một cách bình đẳng với tinh thần độc lập, tự cường; chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy đường thua lỗ, yếu kém theo quy luật kinh tế thị trường; hình thành vùng nguyên liệu mía gắn với nhà máy sản xuất đường đảm bảo hoạt động hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Ngành mía đường cần tận dụng triệt để các lợi thế để phát huy năng lực,

Bên cạnh đó, ngành mía đường cần nhìn nhận thẳng thắn, phân tích thấu đáo các thách thức, yêu cầu đang đặt ra để có các giải pháp phù hợp nhằm cơ cấu thực chất hoạt động sản xuất, kinh doanh; tập trung cải thiện năng suất, chất lượng mía nguyên liệu; nâng cao năng lực chế biến và khả năng cạnh tranh của các nhà máy sản xuất đường; phát triển ngành mía đường phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Thực hiện nhiều giải pháp

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương, Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp mía đường tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp trên cơ sở Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hàng năm cho công tác nghiên cứu giống mía mới và hỗ trợ triển khai dự án giống mía ba cấp ở vùng sản xuất mía trọng điểm; đẩy mạnh cơ giới hóa, thủy lợi hóa những vùng mía tập trung; nghiên cứu sản xuất, chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm từ cây mía và từ phế phụ phẩm trong sản xuất đường.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương và nhà máy đường xây dựng các mô hình cánh đồng mía lớn được cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng trồng mía tập trung gắn với phát triển hợp tác xã nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về: sử dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất mía; chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm trong sản xuất mía, đường và quản lý đường nhập khẩu; nghiên cứu áp dụng biện pháp thanh, kiểm tra sản xuất đường tại nước xuất khẩu theo thông lệ quốc tế. Rà soát Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng mía nguyên liệu nhằm đảm bảo tính minh bạch về chữ đường, giá mía trong quan hệ mua bán mía nguyên liệu giữa doanh nghiệp và nông dân.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp mía đường chủ động xây dựng Đề án Cơ cấu lại các doanh nghiệp mía đường theo hướng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế;

Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc hỗ trợ liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác mía phù hợp tới hộ nông dân, hợp tác xã nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành mía nguyên liệu.

Xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển đường trái phép

Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động theo dõi, kịp thời đề xuất việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế;

Tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi tiếp tay buôn lậu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh đường và chất tạo ngọt.

Bộ Tài chính chủ trì, chỉ đạo lực lượng Hải quan phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép, gian lận thương mại mặt hàng đường, quản lý chặt hình thức nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu và xuất xứ nguồn gốc hàng hóa nhằm ổn định, phát triển lành mạnh thị trường đường trong nước.

Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tăng cường chống buôn lậu, chống hàng giả, gian lận thương mại quyết liệt hơn; xử lý nghiêm cán bộ liên quan đến bảo kê nhập khẩu đường trái phép.

 Hoàng Văn/Theo KTNT