Những vùng rau Sơn La quanh năm xanh mướt bán khắp thị trường
14/05/20 02:57PM
Từ những cánh đồng gần như quanh năm bỏ hoang, nhiều nơi ở Sơn La nay đã trở thành những vựa rau mướt mát quanh năm, cho thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm.
Nhiều mô hình trồng cà chua trái vụ ở xã Vân Hồ cho giá trị hàng tỉ đồng/năm. Ảnh: Lê Bền.

Nhiều mô hình trồng cà chua trái vụ ở xã Vân Hồ cho giá trị hàng tỉ đồng/năm. Ảnh: Lê Bền.

Cú hích tư duy sản xuất

Thời điểm này trước đây, những cánh đồng ở xã Vân Hồ vẫn còn là những bãi hoang chăn thả trâu bò.

Phải tới tháng 6 hàng năm, khi mưa xuống, đồng bào người Mông ở đây mới rục rịch ra đồng cày cấy. Cả năm, những đồng đất ở Vân Hồ chỉ có một vụ lúa, từ tháng 9, tháng 10 năm trước tới tháng 6 năm sau chỉ bỏ hoang.

Đất bỏ hoang, nhưng bà con quanh năm lại đều phải đi mua rau ngoài chợ do thương lái đưa từ dưới xuôi lên bán, bởi ngoài tận dụng rau rừng, gần như chẳng mấy ai biết trồng rau.

Bây giờ thì khác, những cánh đồng ở Vân Hồ đã trở thành vùng chuyên canh rau, quanh năm phủ một màu xanh mướt mát, đủ các chủng loại rau như cải bắp, cà chua, bầu bí...

Sự đổi thay chỉ bắt đầu từ năm 2015 trở đi, khi dự án Aciar (do Úc tài trợ) được Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai hỗ trợ cho bà con ở các địa phương có lợi thế về trồng rau tại các huyện Vân Hồ và Mộc Châu của tỉnh Sơn La.

Với lợi thế có khí hậu tương đối mát mẻ quanh năm, dự án đã tiến hành khảo sát đánh giá, lựa chọn các vùng có lợi thế về trồng rau. Đồng thời có các gói hỗ trợ tổng thể từ tư vấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rau đến liên kết sản xuất, gắn với thành lập các tổ hợp tác, kết nối tiêu thụ rau an toàn… cho bà con tại Vân Hồ và Mộc Châu.

Ông Lưu Ngọc Quyến, Phó viện trưởng Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đánh giá: Cái được lớn nhất của dự án là đã từng bước thay đổi từ trình độ sản xuất, hình thành tư duy sản xuất hàng hóa cho bà con, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ chỗ bà con chưa biết tự sản xuất rau để phục vụ cho chính gia đình mình, thì đến nay đã có bước chuyển rất lớn sang sản xuất hàng hóa, tạo thu nhập, thậm chí làm giàu từ chính mảnh đất của mình.

Trước đây, bà con không biết sản xuất từ su hào, bắp cải hay cà chua, thì nay sản xuất rau không chỉ để ăn mà còn để bán và tạo ra thu. Nông dân đã biết được mình nên trồng cây trồng gì trên đất của mình cho hiệu quả.

Nếu như trước đây, bà con chỉ biết tới trồng ngô, lúa, tự túc lương thực là chính thì nay đã có thể trồng những loại rau cho thu nhập hàng trăm triệu/ha, thậm chí cà chua trái vụ hàng tỉ đồng/ha.

Không những thế, bà con đã dần tiếp cận được làm thế nào để tạo ra các sản phẩm rau an toàn, kỹ thuật trong canh tác tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng.

Dự án ban đầu chỉ triển khai ở các nhóm nông dân nhỏ, sau này tự nông dân đã biết liên kết với nhau hình thành các HTX, tạo sản phẩm đủ lớn, đang dần xây dựng tên tuổi, thương hiệu, kết nối tiêu thụ với nhiều hệ thống phân phối có giá trị cao.

                                                                                                        Lê Bền/Theo Nongnghiep