Nông nghiệp hữu cơ liên kết để bay xa, trên hành trình chinh phục thị trường
12/04/24 02:20PM
Trong khi nhiều chủ trang trại và doanh nghiệp tư nhân làm nông nghiệp hữu cơ (NNHC) gặp khó hoặc phải chen chân vào thị trường ngách nhỏ hẹp, thì không ít nông dân, đặc biệt nông dân các vùng ĐBSCL, Tây Nguyên lại thành công nhờ biết liên kết.
 Với sự giúp đỡ, hướng dẫn của chính quyền địa phương, các nhà khoa học, họ đã chủ động áp dụng công nghệ mới, cùng nhau sản xuất ra sản phẩm tạo được dấu ấn trên thị trường.
Mô hình lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: TÍN DI

Thành công bước đầu

Trong 4 năm qua, nhiều xã viên Hợp tác xã (HTX) Tân Long (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) đã quen với việc “ghi nhật ký sản xuất” trong sản xuất gạo hữu cơ; từ chỗ có 380ha, nay HTX Tân Long đã mở rộng diện tích lên 600ha. Ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Tân Long, chia sẻ: Vụ đông xuân vừa rồi, doanh nghiệp đặt hàng mua lúa của HTX với giá 8.000-9.000 đồng/kg. Hiện sản phẩm gạo sạch Vị Thủy đã có mặt tại 10 đại lý ở ĐBSCL. HTX đang kết nối với một doanh nghiệp để xuất khẩu trong tương lai gần. Nông dân của HTX đang phấn chấn chuyển ghi nhật ký sản xuất lúa bằng app trên điện thoại...

Qua ghi nhận, hiện nhiều nông dân vùng Đồng Tháp Mười cũng đang áp dụng mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Ông Mai Thanh Liêm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thọ (xã An Long, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: Giai đoạn đầu không ít nông dân còn ngại, nhưng sau khi thấy hiệu quả, vừa có sản phẩm lúa gạo sạch, vừa bảo vệ môi trường, họ đã tin tưởng tham gia. Hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc tại HTX có quy mô 10ha/8 hộ.

Trong khí đó, nông dân tại xã Trung Ngãi (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cũng chuyển đổi phương pháp trồng lúa truyền thống sang hữu cơ khá sớm. Ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, là người tiên phong đưa cây lúa hữu cơ bám rễ trên đất Vũng Liêm, nhiều năm kiên trì kết nối nông dân cùng trồng lúa hữu cơ. “Hơn 10 năm trước, biến đổi khí hậu khiến thời tiết trở nên cực đoan. Việc trồng lúa của gia đình cũng như nhiều nông dân trong xã rất khó khăn do bị sâu bệnh tấn công. Vì thế, gia đình tôi muốn tìm một hướng sản xuất bền vững hơn, đó là cơ duyên với hành trình trồng lúa hữu cơ”, ông Tài nhớ lại.

Ông Tài đến nhiều tỉnh thành vùng miền Tây Nam bộ, miền Trung rồi tham khảo ý kiến từ các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL, các trường đại học ở TPHCM để đúc kết kinh nghiệm sản xuất lúa. Đến nay, HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt đã xây dựng được vùng nguyên liệu 100ha trồng lúa hữu cơ với 65 thành viên tham gia sản xuất. Trong đó, khoảng 30ha đã được chứng nhận hữu cơ theo 4 tiêu chuẩn hàng đầu của quốc tế: USDA (Mỹ), EU (châu Âu), JAS (Nhật Bản) và COR (Canada).

Thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp ở Đồng Tháp cũng chú trọng phát triển NNHC theo hướng bền vững. Có thể kể đến mô hình trồng xoài Cát Chu theo tiêu chuẩn hữu cơ được thực hiện tại xã Tịnh Thới và xã Hòa An (TP Cao Lãnh) với quy mô hơn 32ha/44 hộ tham gia, đạt năng suất hơn 9 tấn/ha, lợi nhuận mô hình đạt 37,9 triệu đồng/ha. Ngoài ra, còn có mô hình trồng sen chuyển đổi sang hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ 4.0 gắn với liên kết tiêu thụ thực hiện tại xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười với quy mô 20 ha/7 hộ tham gia...

Sản xuất hữu cơ tốn nhiều công sức, từng nông dân làm riêng lẻ khó mang lại hiệu quả, nhất là dễ lẫn lộn giống khi gieo sạ. Chính vì vậy, phần lớn sản xuất theo hướng hữu cơ phải có vai trò của HTX để phát huy hiệu quả trong sản xuất và tạo nguồn hàng hóa dồi dào đủ lớn để cung ứng cho thị trường, đặc biệt khi nông sản hữu cơ là xu hướng thế giới đang theo đuổi.

Và bay xa…

Canh tác lúa nước năng suất thấp, kém hiệu quả nên nhiều năm qua, nông dân xã Pró (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) chuyển đổi sang trồng củ năng với diện tích hơn 300ha, phần nào giúp đời sống bà con ổn định hơn. Ông Tôn Trung Sơn, Giám đốc HTX củ năng Pró (xã Pró, huyện Đơn Dương), cho biết: “Nhà nước hỗ trợ vật tư, kỹ thuật nên chúng tôi đã chuyển 24,5ha sang trồng củ năng hữu cơ và kết quả thu được rất khả quan”. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện địa phương có hơn 1.579ha canh tác được cấp giấy chứng nhận hữu cơ, trong đó đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn Việt Nam là hơn 270,6ha, đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế 1.308,4ha.




Giáo sư Võ Tòng Xuân (bên phải) khuyên nông dân cần bồi bổ vi sinh cho đất và giữ lại rơm rạ, đừng đốt bỏ

Ghé thăm vườn cà phê hữu cơ của gia đình anh Lê Văn Vương (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vào những ngày này, được anh cho biết, trước đây gia đình anh cũng canh tác cà phê theo hướng vô cơ thông thường nên năng suất không ổn định và cà phê thường bị sâu bệnh. Năm 2015, anh Vương đã chuyển đổi 1,4ha cà phê sang quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ. Đến nay, anh đã liên kết với 13 hộ dân, 2 HTX phát triển được 65ha nguyên liệu cà phê hữu cơ...

Hiện tại tỉnh Đắk Lắk, ngành chức năng triển khai nhiều mô hình sản xuất NNHC, bước đầu đã mang lại tín hiệu khả quan. Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông - giống cây trồng và thủy sản Đắk Lắk, địa phương đang phối hợp trạm khuyến nông các huyện triển khai mô hình Sản xuất cà phê hữu cơ thời kỳ kinh doanh từ năm thứ 5 trở đi tại 3 huyện, với quy mô 9,5ha, gồm 20 hộ tham gia. Sau gần 1 năm triển khai, các vườn cà phê sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, năng suất ổn định từ 3-4 tấn nhân/ha.

Tại tỉnh Kon Tum, HTX Nông sản và thảo dược Tu Mơ Rông (xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông) liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm nghệ, gừng, chanh, bưởi với 37 hộ dân. Trong năm 2022 và 2023, HTX đã thu mua 36 tấn nghệ, gừng, chanh, bưởi để chế biến sâu phục vụ xuất khẩu sang châu Âu. “Với thành công bước đầu, sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ để có thêm sản phẩm xuất khẩu đi nhiều nước khác nữa”, ông Hà Văn Phương, Giám đốc HTX nói.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết, nhờ sản xuất hữu cơ, các loại dược liệu trên địa bàn đã xuất ngoại, mang lại giá trị cao cho người trồng. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kon Tum, địa phương đã xây dựng 4 nhóm sản phẩm nông nghiệp đạt đúng và đủ theo tiêu chuẩn NNHC organic gắn với xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ. Việc sản xuất hữu cơ đã mang lại giá trị cao cho người trồng. Đối với rau củ quả, thông thường 1 năm sản xuất 3 vụ, lợi nhuận thu được bình quân khoảng 1 tỷ đồng/ha.

Tôm - lúa song hành hữu cơ

Nhiều nông dân xã Đông Thạnh (huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) tham gia sản xuất mô hình tôm - lúa hữu cơ từ 8 năm qua. Mùa nước mặn thì nuôi tôm, mùa mưa đến thì trồng lúa. Anh Phạm Văn Hoàng Diệu, một điển hình trồng lúa hữu cơ ở xã Đông Thạnh, cho biết, vùng đất này trước đây bị nhiễm phèn, bà con chủ yếu trồng lúa mùa, mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ. Được sự vận động của Phòng NN-PTNT huyện An Minh, nông dân bắt đầu tiếp cận mô hình tôm - lúa hữu cơ.

Năm 2019, với 5ha đất sản xuất của gia đình, anh Diệu chuyển đổi sang canh tác theo hướng hữu cơ. “Khi làm rồi mới thấy mô hình hữu cơ dễ hơn cách làm truyền thống. Ngày trước làm lúa dùng phân hóa học, nhưng khi chuyển qua làm hữu cơ, chất thải tôm nuôi trong ruộng là nguồn phân bón rất tốt cho sự phát triển của cây lúa”, anh Diệu chia sẻ.

Hiện hầu hết bà con nông dân ở xã Đông Thạnh đều tham gia mô hình sản xuất tôm - lúa hữu cơ. Từ tháng 1 đến tháng 3 là thời điểm cải tạo vuông nuôi, thả giống tôm sú và thu hoạch trong tháng 7. Ngoài ra, trong mô hình này, nông dân cũng kết hợp thả xen cua, tôm càng xanh để tăng thêm nguồn thu trên cùng diện tích.

Sau đó, nông dân rửa mặn vuông nuôi trong tháng 8, cấy lại lúa trong tháng 9. Canh tác tôm - lúa hữu cơ có ưu điểm tiết kiệm nhiều chi phí vật tư, lúa trúng mùa, bán được giá cao, đầu ra ổn định. Với 1ha, nông dân thu được lợi nhuận từ con tôm sú, lúa hữu cơ và các loài thủy sản khác khoảng 180-200 triệu đồng/năm. Toàn huyện An Minh hiện có trên 47.000ha nuôi trồng thủy sản. Trong đó, sản xuất theo mô hình tôm - lúa khoảng 39.000ha.

Trong khi đó, tại Cà Mau, từ năm 2020, đã có khoảng 19.000ha/4.200 hộ nuôi tôm - rừng đạt các chứng nhận hữu cơ (Naturland, EU organic, B.A.P); gần 40.000ha sản xuất lúa - tôm, trong đó có 370ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quốc tế Organic NOP (Mỹ), Organic EU (châu Âu) và Organic JAS (Nhật Bản) và hơn 1.120ha nuôi tôm hữu cơ. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang dần hình thành và bước đầu đạt được kết quả khả quan.