Philippines sẽ nhập khẩu công nghệ trồng hành của Việt Nam
12/08/16 04:02PM
(Thị trường) - Bộ Nông nghiệp Philippines đang quan tâm đến công nghệ trồng hành của Việt Nam nhằm giúp nước này chấm dứt phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu.
Tờ Manila Times ngày 11/8 dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, ông Emmanuel Pinol nói rằng, công nghệ trồng hành được người nông dân Việt Nam nghiên cứu và phát triển ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ cho phép người nông dân Philippines có thể thu hoạch 3 vụ trong 1 năm.

"Tại Philippines, nông dân chỉ thu hoạch 1 vụ/năm bởi họ sử dụng hạt giống trồng và mất khoảng 6 tháng mới có thể thu hoạch", ông Pinol cho biết.

Philippines se nhap khau cong nghe trong hanh cua Viet Nam
Trồng hành tím ở Sóc Trăng

Cũng theo Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, hầu hết các trang trại trồng hành tại Luzon là trang trại trồng lúa dựa vào mưa, nhưng có thể kết hợp trồng hành trong mùa không mưa nếu sử dụng công nghệ của Việt Nam.

Manila Times dẫn lời một doanh nhân trẻ Việt Nam mà gia đình sở hữu công ty VietGrow, một trong những nhà sản xuất hạt giống rau và phân bón lớn tại Việt Nam, cho biết công nghệ mới sử dụng củ hành làm nguyên liệu trồng, thay vì hạt giống.

Củ hành lớn như ngón tay cái và ban đầu được trồng ở vườn ươm, có thể cho thu hoạch sau 2 tháng. Điều này cho phép người nông dân thu hoạch 3-4 lần trong một năm. Công nghệ trồng hành mới này cho năng suất từ 12-15 tấn mỗi hecta và có thể giúp nông dân Philippines thu nhập từ 720.000 - 900.000 peso Philippines sau mỗi vụ thu hoạch.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, giới chức nước này đã cho phép VietGrow và đối tác Philippines lập trang trại trồng hành thử nghiệm ở Bắc Cotabato, miền Nam Leyte, Nueva Ecija, Isabela, Ilocos Norte và Mindoro.

"Khi những thử nghiệm tạo ra kết quả tích cực, điều này có nghĩa là người dân Philippines không còn phải trông chờ vào hàng nhập khẩu và cả hàng nhập lậu”, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines nói thêm.

Hành là nguồn thu chủ yếu của nông dân Philippines, đặc biệt là ở Luzon. Tuy nhiên, các giống hành địa phương đang phải cạnh tranh gay gắt với hành nhập khẩu.

                                                                                                                 An Nhiên (Theo Manila Times)