Thủ phủ cây quýt hồng Lai Vung tìm lại thời hoàng kim
17/02/21 10:06AM
Thời hoàng kim, cây quýt hồng - đặc sản trứ danh của đất Lai Vung diện tích trên 1.000 hecta, mỗi năm một hecta nhà vườn lãi hơn nửa tỷ đồng.
Video Player is loading.
Hiện tại 0:44
/
Thời lượng 1:15
Đã tải: 0%
Tiến trình: 0%

Vườn quýt hồng trĩu quả ở Lai Vung. Video: Hoàng Nam

Ngày cận Tết, ông Tư Nhàn (57 tuổi, ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu) ra thăm mảnh vườn quýt hồng 13.000 m2 đang vào mùa trái chín. Những năm trước, thời điểm này, trước sân nhà ông đã che sẵn rạp, rộn rã cảnh nhân công lựa quýt lẫn thương lái đến thu mua. Hầu như nhà vườn nào cũng trúng đậm quýt với năng suất trên 40 tấn một hecta, có vườn đạt 60-70 tấn. Do cây sai quả, nhà nông phải dùng các thanh gỗ chằng chống để cây không đổ.

Bình quân mỗi ký quýt có giá 20.000 đồng, trừ chi phí khoảng 7.000-8.000 đồng, nông dân còn lãi mười mấy nghìn đồng. Mỗi hecta nhà vườn lãi bèo nhất 200 triệu đồng, có gia đình sau mùa quýt kiếm hơn nửa tỷ đồng.

Ông Trần Thanh Nhàn cầm trái quýt hồng chín mọng vừa rụng trong vườn. Ảnh: Hoàng Nam

Ông Trần Thanh Nhàn cầm trái quýt hồng chín mọng vừa rụng trong vườn. Ảnh: Hoàng Nam

Năm nay, vườn quýt vẫn trĩu quả, khi sắp thu hoạch, ông Tư tốn cả chục triệu thuê nhân công tỉa cây, tuyển lựa những trái tốt nhất, chắc mẩm có tiền xài Tết. Ai ngờ "miếng ăn đến miệng còn rơi", khi trái quýt chín hồng căng mọng, bỗng lần lượt rụng hết. Dọc kênh Vành Đai, kênh Cái Cờ chạy quanh xã Long Hậu, nhiều vườn quýt rụng mỗi ngày 30-40 kg, có vườn rụng sạch không còn trái nào.

Buổi sáng, vợ Tư Nhàn tranh thủ ra vườn lượm quýt rụng, trái đựng đầy cả một xô. Vậy mà chỉ đến trưa, quanh những bãi cỏ trong vườn, quýt chín vẫn vương vãi đếm không xuể. Dọc vườn, những thanh gỗ năm ngoái dùng để chằng chống cây, giờ nằm chơ vơ, làm mồi cho mối mọt. Ông Tư nhìn số lượng quýt còn sót lại trên cây, ước chừng chưa đến một tấn trái mà xót ruột, xót gan.

Quýt chín rụng được gia đình ông Tư bóc lấy vỏ bán cho thương lái làm thuốc, với giá 23.000 đồng mỗi ký vỏ khô theo kiểu "nhà cháy lượm đinh". "Năm ngoái mỗi ngày thu vào tiền chục triệu, còn năm nay ngày nào cũng lột vỏ quýt đau cả móng tay mà chỉ kiếm khoảng 100.000 đồng", bà Tư Nhàn nói.

Già Tư Nhàn là một trong những nông dân trồng quýt có thâm niên ít nhất vùng, nhưng cũng ngót nghét được 9 năm. Trước đây, khu vườn gia đình ông trồng các loại cây tạp như xoài, mít. Năm 2000, cơn lũ lịch sử khiến khu vườn chìm trong nước, ông Tư buồn tình, bỏ vườn đi làm ghe. 9 năm trước, cây quýt hồng đang thời kỳ đỉnh cao, ông Tư đắp bờ bao quanh vườn chuyển qua trồng quýt, mỗi năm đều cho thu nhập ổn định.

Hai năm trở lại đây, hiện tượng cây quýt bị rụng trái bùng phát mạnh khiến nhiều nhà vườn thua lỗ nặng. Nhiều nông dân phải tìm cách giữ lại vườn quýt bằng việc kết hợp vụ mùa với làm du lịch sinh thái.

Những quả quýt chín trong khu vườn kết hợp làm du lịch sinh thái của ông Út Hớn. Ảnh: Hoàng Nam

Những quả quýt chín trong khu vườn kết hợp làm du lịch sinh thái của ông Út Hớn. Ảnh: Hoàng Nam

Cách nhà ông Tư Nhàn khoảng 2 km, hơn 9h, ông Út Hớn, 61 tuổi, cùng con trai dùng chiếc ghe chạy ra con lộ cách nhà hơn một cây số đón gần 10 người khách. Vườn quýt Út Hớn là một trong những vườn quýt hồng lâu năm ở địa phương, cây lâu nhất có tuổi đời gần 30 năm. Khoảng 4 năm nay, do cây quýt gặp khó, gia đình ông mở cửa phục vụ khách tham quan.

Trong khu vườn 13.000 m2, ông Út khéo léo đặt các lốp xe cũ sơn màu trang trí. Quanh vườn, những chiếc xuồng ba lá được bố trí sẵn dưới mương để du khách trải nghiệm. Mỗi người vào tham quan mất 50.000 đồng tiền vé để chụp ảnh lưu niệm, chèo xuồng. Ngoài ra, họ có thể hái quýt tại vườn, thử các món ăn dân dã bản địa hoặc mua các sản phẩm từ cây quýt như rượu, mứt...

"Ngày thường có khi vài chục khách, thứ bảy và chủ nhật cao điểm khoảng 200 người", ông Út nói. Vì thời gian quýt chín đồng loạt chỉ khoảng một tháng, nên sau khi mở cửa cho khách tham quan, đến khoảng 27, 28 Tết, ông Út thu hoạch vườn bán cho thương lái địa phương.

Nhìn vườn quýt chín được nhiều khách khen sai quả, ông Út cười như mếu, bảo lượng trái năm nay đã giảm 70-80% so với những năm trước. Ông bảo, hồi trước trồng quýt hồng dễ như ăn cơm, cây ra hoa là chắc ăn đậu trái. Trước đây, cao điểm Tết, do cây trĩu quả, nhà vườn phải thắp đèn thu hoạch sáng đêm. Còn bây giờ, trái chín ra da, sắp thu hoạch thì bắt đầu rụng không có cách gì khắc phục.

Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lai Vung cho biết, theo những vị cao niên ở địa phương, quýt hồng có nguồn gốc từ một số đảo của Pháp, có mặt tại Lai Vung khoảng 50 năm trước. Cây cao nhất khoảng 5 m, tuổi đời lên đến hơn 30 năm. Nếu trồng bằng hạt, cây mất 3-4 năm mới có trái, do đó nhiều nhà vườn đã chọn cách trồng chiết nhánh, thời gian cho trái giảm còn phân nửa. Mỗi năm, vụ quýt hồng kéo dài khoảng 10 tháng, bắt đầu chăm sóc từ tháng 2 âm lịch và thu hoạch vào giáp Tết.

So với các loại quýt khác, quýt hồng trái dẹt hơn, phía dưới quả có một nốt lồi giống như cái rốn đặc trưng. Vỏ quả chín ngả sang màu hồng đẹp mắt, múi có vị ngọt thanh mạnh hơn quýt đường nhưng hơi chua. Trọng lượng trái khi chín 4-6 quả một ký và là loại quýt có trái lớn nhất miền Tây. 10 năm trước, cây quýt hồng được chứng nhận thương hiệu độc quyền.

Ông Tồn bảo rằng, trong khoảng 30 năm phát triển, cây quýt hồng có nhiều giai đoạn thăng trầm. Thời hoàng kim, Lai Vung có hơn 1.000 hecta quýt hồng, người trồng quýt khi đó sau một vụ đã đủ tiền xây nhà mới.

Tuy nhiên, do các đợt ngập lũ lẫn hiện tượng héo xanh, vàng lá thối rễ do hai chủng nấm gây ra, cộng với tình trạng nông dân lạm dụng thuốc hóa học, chú trọng năng suất nên qua thời gian đất bạc màu, sức sống cây giảm, khiến thủ phủ quýt giảm diện tích, có lúc còn dưới 300 hecta. Hai năm trước, nhờ áp dụng các biện pháp hữu cơ, diện tích quýt trên địa bàn đã tăng trở lại khoảng 800 hecta.

"Năm nay, do mưa nhiều, phần lớn diện tích không thể phun thuốc phòng trị được, khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng, toàn huyện chỉ còn khoảng 300 hecta quýt hồng, trên tổng số 7.000 hecta cây ăn quả", ông Tồn nói.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lai Vung cho hay, cây quýt hồng cho năng suất 30-40 tấn mỗi hecta, năm nay chỉ còn vài tấn mỗi hecta. Hiện giá bán xô khoảng 45.000 – 60.000 đồng một ký. Do mỗi hecta nông dân đầu tư khoảng 100 triệu đồng, nên phần lớn đều không có lãi, chủ yếu để cây cầm cự.

Cuối năm ngoái, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt đề án "Tạo lập quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận quýt Hồng Lai Vung". Mục tiêu đến năm 2024 khôi phục lại 500 hecta quýt hồng tại 4 xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước, Hòa Long với hàng trăm hộ dân. Đề án có kinh phí khoảng 73 tỷ đồng, trong đó nhà nước đầu tư phân nửa. Một trong những chính sách quan trọng là để người dân cam kết thực hiện theo đúng quy trình khuyến cáo đã đặt ra.

Những người trồng quýt ở Long Hậu bảo rằng sự đời nhiều lúc trớ trêu, hơn 10 năm trước, hồi cây quýt chín trĩu cây, nông dân "trúng nứt tay", nhưng thời đó đường sá chưa làm, đa số nhà nông phải chở bằng xuồng rất vất vả. Còn bây giờ, đường bộ thông thương, ôtô vào đến tận vườn nhưng không có quýt để bán.

Buổi chiều, già Út Hớn sang nhà ông Tư Nhàn ngồi uống trà. Trong khi hai ông ngồi trầm tư về tương lai của cây quýt hồng Long Hậu, thương lái vẫn tranh thủ chạy xe máy quanh xóm thu mua vỏ quýt từ những khu vườn trái rụng.

Vườn quýt 13.000 m2 kết hợp du lịch sinh thái của ông Trần Hữu Hớn, tại xã Long Hậu có 3 địa điểm du lịch tương tự. Ảnh: Hoàng Nam

Vườn quýt 13.000 m2 kết hợp du lịch sinh thái của ông Út Hớn, tại xã Long Hậu. Ảnh: Hoàng Nam

Ông Út Hớn bảo, hồi ông còn nhỏ đã thấy cây quýt hồng trong vườn. Đến khi có gia đình, con cái đã lớn, có cháu nội, những gốc quýt già nua vẫn cho trái nuôi sống cả gia đình. Sau hơn 50 năm gắn bó, quýt hồng không chỉ đơn thuần là giống cây kinh tế, mà còn là niềm tự hào, người bạn gắn bó máu thịt với nhiều người Lai Vung.

Như để an ủi bạn già, ông Tư Nhàn chỉ tay vô chiếc lu xi măng rộng khoảng một mét, được đặt bên một góc vườn, bảo tương lai vườn quýt hồng đều ở trong đó. Trong lu, dưới lớp bao tải, những múi quýt đang phân hủy, để lộ những cái hạt màu trắng ngà hình giọt nước. Sau vài hôm, số hạt này sẽ được rửa sạch, ươm mầm, làm những nhánh ghép cho dự án phục hồi vườn quýt 500 hecta.

                                                                                               Nguồn: vnexpress