Vì sao nông sản sạch vẫn khó vào siêu thị?
13/11/20 02:38PM
Câu chuyện đưa nông sản, thực phẩm vào siêu thị vẫn giống như tranh cãi "con gà hay quả trứng có trước", nhà sản xuất và phân phối đều có những lý lẽ của mình. Để tìm được tiếng nói chung rất cần sự nỗ lực từ hai phía, cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Câu chuyện đưa nông sản, thực phẩm vào siêu thị vẫn giống như tranh cãi "con gà hay quả trứng có trước", nhà sản xuất và phân phối đều có những lý lẽ của mình. Để tìm được tiếng nói chung rất cần sự nỗ lực từ hai phía, cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong quá trình đồng hành với nhiều nhà sản xuất nông nghiệp, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Liên hiệp HTX Tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA) cho biết, thời gian qua, các HTX, doanh nghiệp đã chuyển dịch mạnh mẽ sang sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Tuy nhiên, việc đưa nông sản vào kênh phân phối hiện đại còn gặp rất nhiều khó khăn.

'Con gà hay quả trứng có trước'

Ông Tuấn kể, vừa qua UCA có hỗ trợ một HTX chuyên về trồng cam ở Hà Tĩnh xây dựng đầy đủ các tiêu chuẩn để đưa hàng vào siêu thị. Tuy nhiên, khi có đầy đủ giấy chứng nhận, HTX lại gặp phải tình trạng là năng lực có thể cung ứng ra thị trường 10 tấn cam/vụ, song chỉ 2 tấn tiêu thụ được ở siêu thị, số còn lại HTX phải bán buôn cho thương lái, hoặc đem ra chợ bán với giá rất thấp.

ket-noi-san-xuat-va-phan-phoi-3295-16046

Đẩy mạnh kết nối cung cầu để đưa sản phẩm sạch đến với nhiều người dùng. 

"Như vậy, rõ ràng là không công bằng với người sản xuất sạch. Họ làm sạch, cuối cùng phải ngậm ngùi bán giá thấp", ông Tuấn nói.

Ông ví dụ, rau nếu sản xuất theo quy trình hữu cơ, ít nhất 3 tháng mới được thu hoạch, còn nếu sử dụng thuốc kích thích thì chỉ 7 ngày. Nếu giá rau hữu cơ mà còn thấp hơn rau không an toàn, càng làm sạch thì người sản xuất lại càng lỗ.

Chưa kể, theo ông Tuấn, việc đưa nông sản, thực phẩm vào siêu thị tốn chi phí rất lớn, thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian. Những yêu cầu này nhiều khi quá sức với HTX. Nhiều loại chứng nhận tiêu chuẩn, HTX phải mất 3-4 năm mới xin được, nhưng thời hạn thì chỉ kéo dài trong khoảng một năm. Hết thời hạn, HTX lại phải đi xin lại từ đầu.

Trước phản ánh về việc khó đưa nông sản, thực phẩm vào siêu thị, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MM Mega Market giải thích, trong bối cảnh hiện nay, các siêu thị cũng đang phải cạnh tranh, chạy đua với sự thay đổi trong tiêu dùng của khách hàng. Người tiêu dùng ngày càng có yêu cầu cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Ở góc độ bản thân nhà bán lẻ, chúng tôi phải có trách nhiệm đảm bảo hàng hóa mà mình bán ra phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người dùng", ông Toàn nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho hay, hệ thống siêu thị này đang triển khai thêm dịch vụ bán hàng online, điều đó đặt ra yêu cầu sản phẩm càng phải đạt chất lượng tốt. Các nhà sản xuất phải đặt yêu cầu này lên hàng đầu, cam kết với khách hàng từ nguyên liệu tới thành phẩm đều an toàn tuyệt đối, bỏ tư duy "rau hai vườn, lợn hai chuồng", đồng thời bao bì nhãn mác phải bắt mắt.

Tìm 'tiếng nói' chung

Mặt khác, đại diện BRG đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, rõ ràng, dễ thực hiện. Siêu thị mong muốn cơ quan chức năng có bộ đánh giá, xác nhận về chất lượng hàng hoá, vệ sinh thực phẩm, chứng nhận cho sản phẩm trước khi lưu thông đảm bảo chất lượng vệ sinh thực phẩm.

"Không thể mỗi chai nước mắm, chúng tôi lại hút một xi lanh để đem đến Viện kiểm nghiệm và an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, chờ 1-2 tuần, có trả lời đạt chất lượng thì mới bán. Đó là quá sức với hệ thống phân phối", ông Dũng chia sẻ.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Những năm gần đây, Nhà nước ban hành Nghị định thực hiện Luật An toàn thực phẩm, sau đó các Bộ có văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, thời gian ban hành văn bản hướng dẫn giữa các Bộ lại khác nhau, danh mục chất gây ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm cũng khác nhau. Điều này gây khó khăn cho cả doanh nghiệp bán lẻ và nhà sản xuất.

Về liên kết giữa nhà sản xuất và bán lẻ, ông Hồ Sỹ Thường, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội, cũng bình luận thêm rằng, nhiều khi do các hệ thống siêu thị, nhà phân phối chưa đào tạo nhân viên kinh doanh chuẩn mực. Ví dụ, đơn hàng của nhà sản xuất đến nhưng nhân viên siêu thị lại rất ung dung, khiến những mặt hàng dễ hư tổn như rau, thực phẩm... trở thành không tươi ngon.

Về phần người sản xuất, do chưa nhận thức được tầm quan trọng của bao gói, tem, nhãn mác, tiêu chuẩn nên chưa đầu tư đúng mức. Vì vậy, việc hỗ trợ đẩy mạnh kết nối cung cầu cần phải được triển khai quyết liệt hơn nữa, để hai bên cùng giảm thiểu rủi ro cho nhau, tìm được "tiếng nói" chung.

Hơn nữa, để giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản, thực phẩm, ông Phạm Anh Tuấn đề xuất, cần phải xây dựng các chợ đầu mối nông sản rộng lớn để đảm bảo tiêu thụ hàng cho người sản xuất. Ví dụ ở Đài Loan có 2 chợ đầu mối nông sản rất lớn. Tất cả sản phẩm nông sản bày bán ở đây đều ăn được luôn, thậm chí không phải rửa, do các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, kiểm tra. Điều này vừa tạo thuận lợi cho cả người mua (siêu thị, cửa hàng tiện lợi) hay người bán (nông hộ, HTX).

Theo đại diện UCA, đây là kinh nghiệm đáng để Việt Nam lưu tâm nhằm đảm bảo kết nối giữa người sản xuất và người mua hàng, không xảy ra tình cảnh "bán cam mà rơi nước mắt" như trên, cũng như câu chuyện giải cứu nông sản năm này qua năm khác.

Lê Thúy/THoibaodoanhnghiep